Chuyên gia Mỹ từng cảnh báo về ngập lụt ở ĐBSCL

Chí Nhân
Chí Nhân
14/03/2019 18:46 GMT+7

Vào năm 2050, nhiều khu vực ở ĐBSCL sẽ chịu rủi ro ngập 1 mét, theo dự báo của các nhà nghiên cứu ở Đại học Stanford (Mỹ).

Năm 2050, nhiều khu vực ngập cả mét

ĐBSCL sẽ chìm dưới mực nước biển khoảng năm 2100, là dự báo của ĐH Utrecht (Hà Lan) công bố năm 2016. Liên tục mấy năm gần đây, những cảnh báo về ngập lụt, xâm ngập mặn ở "vựa lúa" của cả nước đã được nhiều tổ chức trong và ngoài nước đưa ra. Trước đó, các nhà khoa học của Đại học Stanford trong báo cáo nghiên cứu tựa đề “Khai thác nước ngầm, sụt lún đất, và nước biển dâng ở ĐBSCL, Việt Nam” công bố ngày 15.8.2014 đã đưa ra cảnh báo rằng vào năm 2050, nhiều vùng ở ĐBSCL sẽ chịu rủi ro ngập trung bình 1 mét (mức độ ngập phổ biến cho cả vùng từ 0,42 - 1,54 m).
Nghiên cứu được thực hiện dựa trên quan trắc 79 giếng khoan tại 18 địa điểm. Kết quả quan trắc cho thấy từ giữa những năm 1990, mực nước ngầm tại Cà Mau đã giảm 15 m; tạo ra một hình nón sụt giảm mực nước ngầm đến 20 m dưới mực nước biển. Tốc độ sụt giảm mực nước ngầm trung bình của các giếng khoan vào thời điểm nghiên cứu ở ĐBSCL là 26 cm/năm (từ 9 - 78 cm/năm), gây ra một vùng sụt giảm lan rộng khoảng 100 km theo hướng đông - bắc từ Cà Mau về hướng TP.HCM.
Các nhà khoa học Stanford cũng cho biết thêm, tốc độ sụt giảm nước ngầm càng về hướng biên giới Campuchia càng ít do phía Campuchia ít khai thác nước ngầm và khu vực gần biên giới có vùng đá lộ thiên (góc tây - bắc của đồng bằng). Tốc độ sụt lún đất dựa vào tính toán nén của các lớp đất bên dưới cho thấy tốc độ sụt lún đất trung bình là 1,6 cm/năm (từ 0,28 - 3,1 cm/năm). Từ cơ sở đó, các nhà khoa học đã cảnh báo nếu tốc độ khai thác nước ngầm như hiện nay vẫn tiếp diễn thì tổng sụt lún tích lũy sẽ là 0,88 m (từ 0,35 - 1,4m) đến năm 2050. Với cao trình phần lớn ĐBSCL thấp hơn 2 mét so với mực nước biển, điều này có nghĩa là nhiều vùng ở ĐBSCL sẽ chịu rủi ro ngập tương đương 1 mét (từ 0,42 - 1,54 m).

Nhiều nguy cơ tiềm tàng

Ngoài tác động của sụt lún mặt đất, việc khai thác nước ngầm quá mức còn gây nên nhiều nguy cơ tiềm tàng khác như ô nhiễm arsen xảy ra tự nhiên, xâm nhập mặn dưới đất, thiệt hại tiềm tàng đối với cơ sở hạ tầng, cũng như tăng độ sâu và thời gian ngập lụt hằng năm. Việc ngập nặng và kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất lúa 2 - 3 vụ mỗi năm và nhiều đối tượng cây trồng khác.
Ở những vùng có tầng nước ngầm rộng lớn, khi nước ngầm được khai thác, áp lực lỗ rỗng giảm và các lớp trầm tích trải qua quá trình nén được biểu hiện ở bề mặt đất là sụt lún. Các phép đo trên mặt đất của sụt lún đất có thể được thực hiện trên quy mô không gian nhỏ, nhưng các quan sát từ xa (ảnh vệ tinh) là rất cần thiết để lập bản đồ biến dạng toàn diện về không gian trên các vùng rộng lớn. Từ đó có một bản đồ rõ ràng về hiện tượng sụt lún cũng như các giải pháp bảo vệ. Hiện tượng đang xảy ra ở ĐBSCL cũng giống như một số trường hợp điển hình trên thế giới như ở Venice (Ý), Tokyo (Nhật Bản) và Bangkok (Thái Lan).
(A) Tốc độ sụt giảm mực nước ngầm giữa các tầng chứa nước. (B) Tỷ lệ sụt lún do ảnh hưởng của mực nước ngầm sụt giảm. (C) Tỷ lệ sụt lún mặt đất được mô phỏng Nguồn: ĐH Stanford, Mỹ
ĐBSCL sẽ chìm dưới mực nước biển theo mốc thời gian Nguồn: ĐH Utrecht, Hà Lan
Th.s Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia về sinh thái ĐBSCL lưu ý rằng ngoài chuyện sụt lún này, ĐBSCL còn có một vấn đề khác đó là sạt lở bờ sông, bờ biển do thiếu phù sa và thiếu cát, cũng rất nghiêm trọng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.