‘Cởi trói’ cho sàn giao dịch, nông sản sẽ bớt cảnh được mùa mất giá

Chí Hiếu
Chí Hiếu
09/05/2018 17:11 GMT+7

Đại diện Bộ Công thương kỳ vọng, với quy định mới, cho phép sàn giao dịch hàng hoá của Việt Nam liên thông với sàn quốc tế và nhà đầu tư nước ngoài tham gia, nông sản Việt sẽ bớt cảnh được mùa rớt giá.

Tại hội nghị triển khai Nghị định 51 của Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định 158 về hoạt động mua bán hàng hoá qua sở giao dịch hàng hoá được Bộ Công thương tổ chức hôm nay, 9.5, cả cơ quan quản lý lẫn các doanh nghiệp đều tỏ ra hào hứng với quy định mới liên quan đến giao dịch hàng hoá qua sàn giao dịch.

Ông Nguyễn Lộc An, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), nhấn mạnh nghị định này được xây dựng trên quan điểm “cởi trói” cho doanh nghiệp, cắt bỏ các điều kiện kinh doanh để doanh nghiệp bớt cảnh xin cho.

Ông An dẫn chứng, điểm thay đổi đáng chú ý nhất của nghị định này là mỗi khi có một mặt hàng nào muốn giao dịch trên sàn, các sàn giao dịch chỉ cần gửi thông báo cho cơ quan quản lý biết trước, thay vì phải làm thủ tục xin phép và chờ phê duyệt hàng tháng trời như trước.

Một điểm mới nữa là nghị định sửa đổi cho phép các sàn giao dịch trong nước được liên thông với nước ngoài, cùng với đó, các nhà đầu tư ngoại cũng sẽ được liên kết, tham gia góp vốn thành lập sàn giao dịch trong nước.

Bà Nguyễn Phương Dung, Trưởng phòng Quản lý hoạt động Sở giao dịch hàng hoá Việt Nam, Vụ Thị trường trong nước, bày tỏ: "Với 3 điểm mới như trên, chúng tôi kỳ vọng giao dịch hàng hoá qua sàn sẽ sôi động trong thời gian tới. Dự kiến Sở Giao dịch hàng hoá Việt Nam sẽ tái khởi động vào tháng 7 tới, sau khi nghị định có hiệu lực từ 1.6.2018".

“Hy vọng sàn sẽ giúp người nông dân khắc phục được cảnh mùa rớt giá; tham khảo được thông tin thị trường để sản xuất. Còn với doanh nghiệp, thông qua sàn họ sẽ biết giá cả chuẩn để giao dịch hay có kế hoạch sản xuất, cân đối nhu cầu”, bà Dung chia sẻ.

Ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê - Ca cao, cho hay với kim ngạch xuất khẩu 3 tỉ USD của cà phê thì việc liên thông với các sàn quốc tế sẽ giúp doanh nghiệp có thêm kênh tham khảo giá cả rất tốt trước khi tiến hành giao dịch.

“Chúng tôi có 205 doanh nghiệp xuất khẩu, một số công ty lớn đã tham gia sàn New York, London nhưng phần lớn số doanh nghiệp còn lại rất mù mờ thông tin, nhiều khi cứ "a lô" chốt giá nhưng không thật sự hiểu lắm”, ông Vinh nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Sơn, Phó chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, cho biết hiện hầu hết các doanh nghiệp sợi trong nước phải mua bông từ bên ngoài, nhưng phương thức mua bán rất truyền thống. Với nhu cầu bông cho năm 2018 lên đến 1,5 triệu tấn, tương đương 3 tỉ USD, theo ông Sơn, sẽ rất rủi ro nếu không cập nhật được thị trường, trong bối cảnh giá bông gần như biến động hàng ngày.

“Bông chiếm khoảng 65% giá thành sản xuất ra sợi. Nếu mua không tốt, bất lợi 1 chút về giá thì sẽ rất khó khăn. Hy vọng sàn sẽ giúp doanh nghiệp có thông tin, giảm thiểu rủi ro khi mua nguyên liệu”, ông Sơn bày tỏ.

Theo bà Nguyễn Phương Dung, sau khi có Nghị định 158 vào năm 2006, đến năm 2010, sàn giao dịch Triệu Phong là sàn chính thức đầu tiên được Bộ Công thương cấp phép (sau đó đổi thành Sở Giao dịch hàng hoá Việt Nam) và tiếp đó nữa là sàn giao dịch Info.

Ngoài ra, Chính phủ cho thí điểm sàn giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột vào năm 2011 trong 1 năm và gia hạn thêm 1 năm đến hết năm 2012. Tuy nhiên, do những quy định trói buộc nói trên nên đến năm 2013, tất cả các sàn dừng hoạt động. Đến nay, mới có Sở giao dịch hàng hoá Việt Nam đang rục rịch tái cấu trúc để hoạt động trở lại sau khi chuyển trụ sở từ TP.HCM ra Hà Nội.

Theo Bộ Công thương, trong thời kỳ 3 sàn giao dịch hoạt động (từ 2010 - 2013), tổng giá trị các hợp đồng được giao dịch qua sàn khoảng 8.000 tỉ đồng, mà chủ yếu là cà phê. Mặt hàng thép dù đã được cho phép giao dịch song không có giao dịch nào được thực hiện. Từ năm 2013, các sàn gần như “chết lâm sàng” và không có giao dịch nào phát sinh.

Tuy nhiên, tại hội nghị hôm nay, các doanh nghiệp lớn như Thép Việt - Nhật, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam... đều tỏ ra rất quan tâm tới các quy định để lập các sàn chuyên biệt cho từng mặt hàng. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.