Công ty 'ma' nhập hàng cấm

Nguyên Nga
Nguyên Nga
13/12/2018 06:05 GMT+7

Đứng tên trên vận đơn nhận hàng từ nước ngoài vào VN, khi thấy “động”, biến mất như ma, không có dấu vết tại địa chỉ đăng ký kinh doanh. Đó là thực trạng đang diễn ra khá nhiều hiện nay.

Những công ty chỉ có trên giấy
Sáng 12.12, chúng tôi tìm đến địa chỉ 81/41 Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú, TP.HCM, nơi đăng ký kinh doanh của Công ty TNHH MTV thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Hoài Nhân (Công ty Hoài Nhân) đứng tên trên vận đơn nhận lô hàng cấm 5 máy xét nghiệm của ngành y (hàng đã qua sử dụng) nhập từ Mỹ về, bị hải quan TP.HCM phát hiện và kiểm tra trước đó 1 ngày (11.12) tại cảng Phước Long (Q.Thủ Đức).
Tuy nhiên, số nhà 81/41 không tồn tại trên con đường này, chỉ có số 81 - 83 là địa chỉ của một ngôi biệt thự. Ông T., người bán hàng gần 15 năm ngay gần đó cho biết, đường Tân Sơn Nhì không có hẻm 81 và không có công ty nào tên Hoài Nhân đặt trụ sở.
Trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, theo mã số thuế của cơ quan hải quan cung cấp, Công ty Hoài Nhân được cấp giấy phép từ ngày 18.1.2016, người đại diện pháp luật là Kim Thị Ngọc Lan nhưng trụ sở chính đặt tại số 68 Nguyễn Huệ, P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM. Thông báo mới nhất của công ty này về đổi con dấu là ngày 7.11.2018.
Quan điểm của chúng tôi là làm đến cùng, triệt để, không thể phát hiện xong bỏ đó. Sau khi củng cố hồ sơ, tùy vào mức độ vi phạm, sẽ chuyển cơ quan công an khởi tố để tiếp tục điều tra
Ông Phan Mạnh Lân, Đội trưởng Đội kiểm soát hải quan (Cục Hải quan TP.HCM)

Lô hàng 5 máy xét nghiệm y tế nói trên được cơ quan quản lý xác định có giá trị hàng chục tỉ đồng, là hàng cấm nhập theo danh mục hàng cấm nhập khẩu, trong tờ khai hải quan, Công ty Hoài Nhân khai là “thiết bị làm mát” với tổng trị giá 130 triệu đồng. Theo cơ quan hải quan, trước khi bị sửa thông tin trên bảng khai manifest tên doanh nghiệp (DN) nhận là Công ty Hoài Nhân, lô hàng này được gửi cho Công ty TNHH Quang Phát.
Trước đó, cuối tháng 10 vừa qua, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I cũng đã phát hiện, ngăn chặn 25 container phế liệu độc hại cấm nhập khẩu về cảng Cát Lái, DN khai báo hàng nhập khẩu là máy móc, thiết bị đã qua sử dụng do Công ty TNHH TMDV vận tải Trí Quang (60 Nguyễn Văn Giáp, P.Bình Trưng Đông, Q.2, TP.HCM) đứng tên vận đơn nhận. Công ty Trí Quang mới thành lập ngày 12.4.2018 và có thêm chi nhánh đặt tại khu công nghiệp Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Địa chỉ Công ty Trí Quang đăng ký kinh doanh khi chúng tôi tìm tới là nơi “rửa xe - dọn nội thất”, bên trong có dãy nhà trọ cấp 4.
Tương tự, Công ty TNHH giao nhận vận tải Sun Flower (275/13/38 Hà Huy Giáp, Q.12, TP.HCM) cũng vậy.
Sun Flower mở tờ khai hải quan nhập khẩu, khai báo hàng hóa là động cơ máy thủy đã qua sử dụng và dây cáp chịu lực bằng thép. Hàng nhập từ năm 2017, tuy nhiên sau 2 lần mở tờ khai hải quan, DN đều không đến làm thủ tục hải quan để thông quan hàng hóa. Mở kiểm tra thực tế, cơ quan hải quan phát hiện container chứa đầy phụ tùng, máy móc ô tô cũ, bên ngoài ngụy trang bằng 2 cuộn dây cáp bằng thép. Đáng chú ý, các bộ phận, linh kiện, lốc máy ô tô rất cũ kỹ, đã bị gỉ sét nghiêm trọng là hàng cấm nhập.
Trực tiếp đứng tên trên vận đơn
Các trường hợp nói trên, theo cơ quan hải quan đều là công ty “ma” không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, theo ông Phan Mạnh Lân, Đội trưởng Đội kiểm soát hải quan (Cục Hải quan TP.HCM), nói là “ma” nhưng không phải là ma vì các DN này chưa giải thể, họ có thể thay đổi địa chỉ kinh doanh tại địa bàn khác.
Bước đầu, cơ quan hải quan làm việc với phía Sở KH-ĐT để xác định DN đang ở đâu. Bởi theo nguyên tắc, khi di dời địa chỉ, DN phải đăng ký thay đổi tại cơ quan đăng ký kinh doanh. Ông Lân nói, trách nhiệm ngăn ngừa tình trạng công ty “ma” không phải của cơ quan hải quan, nhưng là đơn vị gác cổng, cơ quan hải quan sẽ đưa mã số thuế của DN này vào diện theo dõi thực tế, cho dù hàng hóa DN đó khai thuộc diện không kiểm tra trực tiếp, phân luồng vàng. Nếu đã nghi ngờ, hải quan sẽ theo dõi bí mật để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
“Quan điểm của chúng tôi là làm đến cùng, triệt để, không thể phát hiện xong bỏ đó. Sau khi củng cố hồ sơ, tùy vào mức độ vi phạm, sẽ chuyển cơ quan công an khởi tố để tiếp tục điều tra. Hiện chúng tôi gửi thư mời lên làm việc, DN đều bặt vô âm tín, không liên lạc để xử lý lô hàng. Tuy nhiên, nếu cơ quan điều tra mời lên, sự việc sẽ khác”, ông Lân nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Lý Trường An, Phó giám đốc Công ty TNHH SeaAir Global, cho hay trước đây công ty “ma” thường chỉ là các công ty giao nhận, nhận giúp cho một DN nhập khẩu trực tiếp đứng tên trên vận đơn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, chính công ty “ma” lại đứng tên trên vận đơn luôn. Việc này khó nhưng nếu quyết tâm làm đến cùng vẫn làm được. Bởi “ma” chỉ là cách gọi. “Chỉ có cách duy nhất là khởi tố điều tra mới biết là “ma” hay người thật”, ông An nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.