Da giày VN trước áp lực chống phá giá của EC: Tái cấu trúc thị trường và sản phẩm

21/03/2006 09:50 GMT+7

Chỉ vài ngày nữa phía Liên minh châu u (EU) sẽ chính thức công bố quyết định có hay không việc áp thuế chống phá giá đối với mặt hàng giày có mũ da nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam. Hai khả năng có thể xảy ra: hoặc họ sẽ giữ nguyên quyết định như đã công bố tăng thuế lên 16,8%, hoặc sẽ bị áp hạn ngạch dựa trên kim ngạch xuất khẩu của năm 2004 và tăng thêm 15% mỗi năm. Dù khả năng nào xảy ra, sự phát triển của ngành da giày Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng lớn, kéo theo những tác động xấu khác...

Ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế

Mặc dù chưa có quyết định chính thức của Ủy ban châu u (EC), nhưng từ đầu năm đến nay, ngành da giày xuất khẩu Việt Nam vẫn bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng. Đó là tình trạng thiếu việc làm diễn ra trên diện rộng và nhiều doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn vì chưa có hợp đồng xuất khẩu.

Nguyên nhân của việc này là do cuối năm ngoái, sự kiện Liên minh châu u (EU) kiện Trung Quốc và Việt Nam bán phá giá mặt hàng giày có mũ da đã khiến nhiều khách hàng lo ngại, chỉ đặt hàng cầm chừng cho năm 2006 vì chưa biết diễn biến vụ việc tới đâu, chưa biết giá cả thế nào.

Một chủ doanh nghiệp cho biết tuy đã đến mùa cao điểm sản xuất nhưng đơn vị của ông cho đến nay chỉ nhận được một công (container) nguyên phụ liệu thay vì phải 4-5 công như mọi khi. Vì vậy trong những tháng tới, kim ngạch xuất khẩu ngành da giày khó có điều kiện tăng trưởng, thu nhập người lao động giảm sút (do thiếu việc làm, thu nhập bình quân của công nhân hiện chỉ còn 400 ngàn đồng/tháng và ở những doanh nghiệp khá hơn cũng chỉ bình quân 800 ngàn -1 triệu đồng/tháng).
 
Nhìn chung, không khí ảm đạm đang bao trùm lên ngành da giày xuất khẩu, nhất là khi những thông tin về việc có khoảng 20% đơn hàng của Trung Quốc và Việt Nam đang được chuyển sang thị trường Indonesia. Nhiều tập đoàn giày dép lớn đã tính đến chuyện chuyển nhà máy sang Indonesia để tận dụng chính sách thông thoáng và nguồn lao động rẻ tại đây. Đã có 2 tập đoàn công bố đầu tư xây dựng hai nhà máy cỡ lớn tại nước này.
 
Kim ngạch xuất khẩu ngành da giày năm nay nếu không đạt kế hoạch sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng tưởng kinh tế chung của cả nước. Để giữ được chỉ tiêu tăng trưởng GDP 8%/năm, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường châu u cần phải có mức tăng trưởng 19%/năm và phải chiếm tỷ trọng khoảng 20%-22% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Trong các mặt hàng chủ yếu xuất sang châu u như dệt may, giày dép, hàng điện tử, sản phẩm gỗ, nhựa, xe đạp và phụ tùng… kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng da giày chiếm trên 60% trong tổng kim ngạch toàn ngành dự kiến 3,35-3,5 tỷ USD.

Tái cấu trúc ngành da giày

Theo ông Nguyễn Đức Thuấn, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam, việc áp dụng mức thuế chống bán phá vào thị trường EU (nếu điều này thành sự thật) chỉ mới áp dụng đối với các mã giày có mũ da. Do vậy, các doanh nghiệp cần nghiên cứu chuyển hướng cơ cấu sản phẩm, chú ý sản xuất các sản phẩm bằng các loại nguyên liệu thay thế khác.

Cho đến nay, sản lượng xuất khẩu những tháng đầu năm của ngành da giày vẫn đang tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Điều đó chứng tỏ nhiều doanh nghiệp đã sớm tìm cách đưa sản phẩm da giày xuất khẩu sang các nước khác ngoài EU hoặc chủ động sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng không nằm trong diện bị áp thuế.
 
Thời gian qua, ngành da giày Việt Nam có sự chuyển hướng trong đầu tư, đặc biệt là các hình thức đầu tư, trong đó có đến gần 70% năng lực sản xuất là của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, là các khách hàng chuyên đặt hàng gia công trước đây nay đã trực tiếp đầu tư các nhà máy sản xuất tại Việt Nam.

Các doanh nghiệp này có thế mạnh về tài chính, chủ động đơn hàng và thị trường. Do vậy, khu vực đáng lo ngại và phải có ngay các giải pháp là các DN trong nước. Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp trong nước vẫn chỉ làm gia công, không có thông tin thị trường, chưa thể sáng tác mẫu mốt để có những chủng loại sản phẩm mới, không chủ động được nguồn nguyên liệu và không có thương hiệu. Các giải pháp của DN trong nước phải xoay quanh việc tháo gỡ những yếu kém trên.
 
Trước diễn biến tình hình như hiện nay, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công nghiệp Bùi Xuân Khu nhấn mạnh rằng dù có hay không có việc EC áp dụng Luật Chống bán phá giá với Việt Nam thì cũng đã đến lúc ngành da giày xuất khẩu Việt Nam cần tính đến bài toán phát triển lâu dài là tái cấu trúc lại cơ cấu sản phẩm, thị trường, đầu tư xây dựng thương hiệu và nguyên phụ liệu…

Có ba nhiệm vụ trước mắt mà doanh nghiệp nên chú ý là cần chuyển hướng nhanh sang thị trường Hoa Kỳ và Nhật Bản vì nhu cầu nhập khẩu giày dép của hai thị trường này vẫn đang tăng mạnh. Đặc biệt thị trường Nhật Bản cần các loại giày dép có đế ngoài và mũ giày bằng cao su hoặc plastic, da thuộc hoặc da tổng hợp, dép xốp, dép quai hậu…

Kế đó là cần chú trọng đến thị trường trong nước có mãi lực lớn. Cuối cùng là doanh nghiệp cần tiếp tục đầu tư đổi mới công nghệ để sản xuất các sản phẩm cao cấp và tránh các loại sản phẩm có mũ da. Quá trình này sẽ giúp các doanh nghiệp từng bước xây dựng thương hiệu, đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu và sáng tác mẫu mốt…

Theo Văn Minh Hoa/báo Sài Gòn Tiếp Thị

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.