Đàm phán hội nhập phải đảm bảo lợi ích quốc gia

06/11/2015 05:50 GMT+7

Đó là ý kiến của một số đại biểu Quốc hội vào chiều qua (5.11), khi thảo luận về dự án luật Gia nhập, ký kết các điều ước quốc tế (sửa đổi) và việc phê chuẩn nghị định thư sửa đổi hiệp định thành lập WTO.

Đó là ý kiến của một số đại biểu Quốc hội vào chiều qua (5.11), khi thảo luận về dự án luật Gia nhập, ký kết các điều ước quốc tế (sửa đổi) và việc phê chuẩn nghị định thư sửa đổi hiệp định thành lập WTO.

ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) - Ảnh: Ngọc ThắngĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) - Ảnh: Ngọc Thắng
“Ở ta, thủ tục hành chính vẫn còn rất rườm rà, nhất là khâu hải quan, cho nên, tham gia các điều ước quốc tế, hội nhập sâu hơn sẽ thúc đẩy cải cách mạnh hơn về thủ tục hành chính trong lĩnh vực này. Chúng ta không thể một mình một kiểu mãi”, ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình) nói.
Cũng theo ĐB Phương, VN đã tham gia ký kết các điều ước quốc tế thì phải cam kết thực hiện đầy đủ các quy định chung nhưng cũng phải tính toán kỹ vì nhiều ngành kinh tế VN còn non yếu, nếu hạ thấp thuế suất tất cả các ngành về 0% ngay thì sẽ rất khó khăn, thậm chí phá sản. “Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan có trách nhiệm đàm phán cần tổng hợp chi tiết, đánh giá kỹ lưỡng hơn nữa một số lĩnh vực để có sự ưu tiên nhất định. Ta ký vẫn ký nhưng có thời gian nhất định để chuẩn bị nội lực thì khi tham gia đầy đủ, mình thích ứng được. Có những cái chưa chuẩn bị tốt thì lui lại để chuẩn bị cho tốt hơn, ký sau nếu không sẽ thất bại”, ông Phương nêu ý kiến.
ĐB Lê Diễn (Đắk Nông) cho rằng: “Chúng ta tin tưởng đoàn đàm phán nhưng đề nghị quá trình chuẩn bị, quá trình đàm phán phải chặt chẽ để đảm bảo lợi ích quốc gia”. Theo ông Diễn, một trong những yếu kém của VN khi hội nhập là đội ngũ luật sư có trình độ vẫn thiếu. ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) đồng ý sửa đổi dự án luật trên nhưng đề nghị cần có những giải pháp để đảm bảo tính độc lập, tự chủ cho nền kinh tế VN. “Chính phủ nên có kịch bản đối với dòng vốn FII (vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài), hoàn thiện các quy hoạch vùng, quy hoạch kinh tế ngành... để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa”, ông kiến nghị.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và ngân sách của QH, ông Phùng Quốc Hiển cho rằng, vừa qua, trong quy trình từ khâu đàm phán, ký kết, phê chuẩn... một số hiệp định, điều ước quốc tế có những điều chưa được chặt chẽ. “Quan trọng nhất là chúng ta thẩm định như thế nào, quy trình có chặt chẽ không. Vừa qua, chúng tôi đã có yêu cầu giám sát ODA vì ở lĩnh vực này có những cái lỏng lẻo, ngay cả Ngân hàng Nhà nước VN là cơ quan ký vay thì có những khoản họ cũng nói họ không biết”, ông Hiển nói.
Công bố toàn văn TPP
Hôm qua, Bộ Công thương chính thức công bố toàn văn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) bản tiếng Anh đã được các nước thành viên TPP thống nhất tại địa chỉ http://tpp.moit.gov.vn ngay sau khi New Zealand (nước được giao nhiệm vụ lưu chiểu văn kiện của hiệp định) công bố toàn văn hiệp định vào chiều 5.11 (giờ Hà Nội). Do quá trình rà soát pháp lý vẫn đang tiếp tục nên bản công bố lần này chưa phải là bản cuối cùng. Bản cuối cùng có thể sẽ có một số thay đổi nhưng chỉ là các chỉnh sửa về mặt kỹ thuật, không ảnh hưởng đến nội dung cam kết. Ngoài các nội dung cam kết trong hiệp định, trong quá trình đàm phán các nước TPP cũng đạt được một số thỏa thuận song phương (do các thỏa thuận này chỉ liên quan đến các bên ký kết nên sẽ được các bên ký kết công bố riêng), Bộ Công thương cũng công bố kèm theo các thỏa thuận song phương mà VN đã thống nhất với một số nước TPP. Các thỏa thuận này sẽ có hiệu lực cùng thời điểm với Hiệp định TPP. Bộ Công thương cho biết sẽ phối hợp với các bộ, ngành dịch thuật và công bố bản dịch tiếng Việt.
Sau khi công bố toàn văn hiệp định, các nước TPP sẽ nhanh chóng hoàn tất thủ tục rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết. Mỗi nước, theo quy định của pháp luật nước mình, sẽ dành thời gian nhất định để người dân nghiên cứu hiệp định trước khi ký kết, dao động từ 60 đến 90 ngày. Sau khoảng thời gian này, các nước TPP sẽ tiến hành ký kết chính thức. Thời điểm ký kết chính thức hiệp định chưa được xác định, nhưng dự kiến sẽ không muộn hơn quý 1/2016. Sau đó, các nước sẽ tiến hành thủ tục phê chuẩn hiệp định theo quy định của pháp luật nước mình.
Mai Phương - Mạnh Quân
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.