Dân còn than phiền ngành thuế

29/11/2009 00:16 GMT+7

Hôm qua 28.11, tại chương trình “Đối thoại cùng chính quyền TP” do Đài tiếng nói nhân dân TP.HCM tổ chức, đại diện các sở, ngành đã có buổi đối thoại, giải đáp thắc mắc liên quan đến những vấn đề dân sinh như thuế, nhà, đất, giao thông.

Mở đầu chương trình, nhiều ý kiến đặt vấn đề liên quan đến thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Luật Thuế TNCN được Quốc hội thông qua vào tháng 11.2007, đồng thời được Chính phủ và Bộ Tài chính hướng dẫn có hiệu lực từ 1.1.2009. Đến nay, qua hơn 11 tháng thực hiện, dù đạt được một số kết quả bước đầu trong việc tuyên truyền, phổ biến luật, cấp mã số thuế, tiếp nhận thủ tục đăng ký giảm trừ và hồ sơ chứng minh người phụ thuộc cho các thành phần chịu thuế... song vẫn nảy sinh không ít rắc rối. Hiện có khá nhiều văn bản (13 thông tư) hướng dẫn Luật Thuế TNCN và việc này làm cho người nộp thuế lúng túng; đặc biệt là việc nộp thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản (BĐS)... “Ngành thuế cần làm gì để tháo gỡ những vướng mắc đó?”, một người dân hỏi.

Bà Hà Thái Hạnh, Phó phòng Tuyên truyền - Hỗ trợ người nộp thuế - Cục Thuế TP.HCM, cho biết, luật thuế mới là đạo luật có phạm vi điều chỉnh rất rộng, với 10 loại thu nhập chịu thuế, như: thu nhập từ kinh doanh; từ tiền lương, tiền công; đầu tư vốn; chuyển nhượng vốn; chuyển nhượng BĐS; từ trúng thưởng; từ bản quyền; từ nhượng quyền thương mại; từ nhận thừa kế là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, BĐS và tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc sử dụng; từ nhận quà tặng là chứng khoán... Chỉ tính trên địa bàn TP.HCM, đã có gần 2 triệu đối tượng nộp thuế. Khác với trước đây, thuế TNCN chủ yếu điều chỉnh vào tiền lương, tiền công và đối tượng nộp thuế chủ yếu là người làm công ăn lương. Nên khó khăn trong thời gian ban đầu áp dụng Luật Thuế TNCN là điều tất yếu.

Riêng trong lĩnh vực BĐS thì trước đây chỉ thu thuế chuyển quyền sử dụng đất của các hoạt động chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với giá trị đất, như đất đã có giấy tờ hợp lệ, có nghĩa BĐS đã có trên thực tế. Hiện nay, khái niệm BĐS gồm có nhà, đất và sau đó có thêm trường hợp góp vốn để hưởng quyền mua nhà, căn hộ (thực tế BĐS đã hình thành và chưa hình thành) với 2 mức thuế suất là 25% và 2%. “Thế nhưng, trong thực tế đã phát sinh rất nhiều trường hợp đa dạng khác. Cục Thuế TP.HCM đã tiếp nhận nhiều phản ánh, vướng mắc của người dân, sau đó tập hợp báo cáo các bộ ngành liên quan. Sắp tới, Bộ Tài chính sẽ có văn bản hướng dẫn rõ hơn để tháo gỡ những vướng mắc đó”, bà Hạnh nói.

Liên quan đến ngành thuế, bà Nguyễn Thị Hảo, ngụ ở Q.Gò Vấp phản ánh những phiền hà trong việc đi làm thủ tục khai thuế TNCN để miễn thuế khi bán căn nhà duy nhất của mình. Sau khi làm bản cam kết “có căn nhà duy nhất” tại Chi cục Thuế Q.12, thì người dân lại bị buộc phải thực hiện thủ tục này một lần nữa tại chính quyền địa phương, nhưng lần này là cả hai vợ chồng cùng cam kết và cùng ký vào sổ lưu ở phường. Vợ mang lên thay chồng cũng không được. “Tìm hiểu thì chúng tôi mới hay, chính quyền địa phương chỉ xác nhận chữ ký, chứ không bắt vợ chồng tôi phải thực hiện công việc trên và đi lại tới lui nhiều lần đến như vậy. Nếu hộ khẩu tui ở miền Trung, miền Bắc thì hai vợ chồng phải về nơi đó làm thủ tục này? Việc làm này đi ngược lại cải cách hành chính”, bà Hảo bức xúc.

Bà Hà Thái Hạnh đáp: Theo quy định, đối tượng nộp thuế TNCN là từng cá nhân đồng sở hữu, có tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và quyền sở hữu nhà ở. Cá nhân nhận chuyển nhượng tự khai và ghi rõ được miễn thuế theo quy định và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc khai “có duy nhất một căn nhà”. Do từng có trường hợp đã khai nhưng sau đó chối nói không phải chữ ký của mình, nên chi cục thuế phải yêu cầu người dân ra phường xác nhận chữ ký để đảm bảo thủ tục pháp lý.

Để giải đáp các thắc mắc của người dân liên quan đến ngành thuế, bà Hạnh cung cấp số điện thoại: 39330608 hoặc 39330609.

Trả lời thắc mắc về một số trường hợp sang nhượng đất bằng giấy tay qua nhiều người, ông Nguyễn Như Bình, Phó phòng Đăng ký và kinh tế đất - Sở Tài nguyên - Môi trường TP nói, tình trạng sang nhượng đất bằng giấy tay qua nhiều người hiện là vấn đề phức tạp. Theo quy định, những trường hợp mua bán giấy tay sẽ không được giải quyết, kể từ ngày 1.7.2004 (Luật Đất đai 2003 có hiệu lực thi hành). Do đó, ông Bình yêu cầu các trường hợp mua bán giấy tay phải làm lại thủ tục chuyển nhượng đất theo đúng quy định pháp luật, trước khi mua bán.  

Minh Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.