Đào rừng về phố

19/01/2009 11:05 GMT+7

Tại các chợ hoa ở Hà Nội đã xuất hiện rất nhiều đào rừng với giá không hề rẻ. Chưa bao giờ bà con dân tộc ít người ở miền núi phía Bắc lại bán được nhiều đào rừng như dịp cận Tết năm nay.

Dọc Quốc lộ 6 từ huyện Mai Châu - Hòa Bình lên Mộc Châu - Sơn La, đào rừng được dựng san sát. Nhiều người dân đổ ra chào mời người đi đường và lũ lượt hàng đoàn xe tải xếp đào chồng chất mang về xuôi tiêu thụ.

Thú chơi thành phong trào

Từ 2 năm nay, người dân các huyện Mộc Châu, huyện Yên Châu, thị xã Sơn La... - tỉnh Sơn La bỗng chốc có nguồn thu lớn từ những cây đào rừng có thân mốc xanh, dáng xù xì mỗi khi Tết đến. Những quả đồi, dãy núi nhấp nhô dọc theo tuyến Quốc lộ 6 với bạt ngàn đào rừng trĩu quả khi mùa hè đến, thu sang; đến cuối năm lại mang đến một nguồn thu cho người dân nơi đây từ những cành, gốc, cây. Thú chơi đào rừng, còn gọi là đào mốc, của người dân dưới xuôi, nhất là các đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Hạ Long... cũng mới xuất hiện từ vài năm nay.

Anh Long, một người buôn cây cảnh ở Hà Nội, cho biết cách nay nhiều năm, người dân thủ đô và các tỉnh đồng bằng thay vì mua một cành hay một cây đào đỏ thắm thì lại lặn lội lên miền núi hoặc nhờ mua giúp một cành đào rừng. Dần dần, thú chơi này trở thành phong trào.

Trước cho, sau bán

Anh Giàng A Tô, ngụ xã Lóng Luông, huyện Mai Châu - Hòa Bình, cho biết: “Những năm trước, nhiều người miền xuôi lên đây vào những ngày cận Tết có ghé xin đào rừng, mình cho chặt thoải mái. Song, những năm gần đây, mình và bà con đều bán lấy tiền”. Do người đến thu gom quá nhiều nên các vườn đào rừng ở dọc các tuyến quốc lộ vùng miền núi phía Bắc chỉ còn cây xấu hoặc trơ trụi hẳn. Các  thương lái buộc phải vào tận các xã vùng sâu để mua đào rừng.

Có cầu ắt sẽ có cung, cứ đến độ Tết đến, hàng trăm người buôn cây cảnh lại kéo nhau lên vùng Tây Bắc đặt mua đào rừng và ùn ùn chở về tiêu thụ. Từ rằm tháng chạp, hàng đoàn xe tải chạy từ xuôi lên miền núi theo các tuyến Quốc lộ 6-2-3... mang đào về phố. Nhiều xe chở hàng hóa lên miền núi, khi về cũng tranh thủ gom thêm ít đào rừng kiếm lời.

Về Hà Nội, giá tăng 20 lần

Để hấp dẫn khách hàng, các lái buôn và người bán thường đặt tên cho đào rừng là “đào Sa Pa”, song đào xuất xứ từ Sa Pa rất hiếm vì đường xa lại khó vận chuyển. Đào rừng bày bán khắp các nơi ở Hà Nội và vùng đồng bằng phía Bắc chủ yếu được lái buôn mang từ Mai Châu - Hòa Bình, Sơn La, thậm chí tận Lai Châu, Điện Biên,Yên Bái, Bắc Kạn... về.

Chị Lò Thị Lan (ngụ thị trấn Mộc Châu - Sơn La) cho biết những dịp Tết gần đây, năm nào gia đình chị cũng bán đào rừng được vài triệu đồng. Dù giá mỗi cành đào rừng tại miền núi chỉ từ 5.000 đồng - 10.000 đồng, song nếu thương lái thu gom mang về đến Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, giá loại xấu nhất cũng lên đến 200.000 đồng. Thậm chí, cây đào rừng nào dáng đẹp, gốc xù xì, to, mốc meo, lâu năm..., giá bán lên tới cả triệu đồng.

Để đáp ứng các khách hàng hạng sang, ngay tại thị trấn Mộc Châu, Mai Châu - Hòa Bình đã có người đẵn cả gốc đào rừng lâu năm bày sẵn, tha hồ lựa chọn. Giá của mỗi gốc đào rừng như vậy ít nhất cũng 500.000 đồng. Bà Nhung, chủ một cửa hàng bán đào rừng tại thị trấn Mộc Châu, khoe: “Về Hà Nội, giá mỗi gốc đào rừng cổ thụ không dưới 2 triệu đồng. Nếu khách hàng muốn giữ chơi nhiều năm, cứ hết Tết gửi đào theo xe lên đây, chúng tôi nhận chăm sóc luôn”.

Đến chiều 18-1, tại các chợ hoa ở Hà Nội như Nghi Tàm, Phú Thượng, Yên Phụ, Hàng Đậu... đã xuất hiện rất nhiều đào rừng với giá không hề rẻ.

Theo Thế Dũng / NLĐ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.