Đẩy mạnh phát triển nhà giá thấp

Đình Sơn
Đình Sơn
30/10/2020 04:51 GMT+7

Trước sự lệch pha cung cầu, nhà ở giá rẻ “biến mất” khỏi thị trường và giá bất động sản liên tục tăng, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu và trình Chính phủ ban hành hàng loạt giải pháp để hạ nhiệt giá nhà .

Thúc đẩy nhà dưới 20 triệu đồng/m2

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, giá nhà ở hiện chưa ổn định, không phù hợp với khả năng chi trả của phần lớn người mua. Hiện nhà nước vẫn chưa giải quyết được nhu cầu nhà ở của người dân, đặc biệt là người thu nhập thấp. Trong khi nguồn cung bất động sản (BĐS), đặc biệt là nhà ở tại 2 thị trường chính là Hà Nội và TP.HCM vẫn chưa phù hợp nhu cầu thị trường, nhà ở giá rẻ gần như “biến mất”.

Đề nghị Chính phủ sớm triển khai đề án phát triển nhà ở thương mại giá thấp với các cơ chế, chính sách ưu đãi về tiền sử dụng đất, thuế, tín dụng, để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư các dự án nhà ở thương mại có mức giá căn hộ không quá 20 triệu đồng/m2 ở các tỉnh và không quá 22 - 25 triệu đồng/m2 ở các đô thị loại 1, đô thị đặc biệt.   

Ông Lê Hoàng Châu

Theo đó, Bộ Xây dựng sẽ sớm hoàn thành dự thảo nghị quyết về phát triển nhà ở giá thấp dưới 20 triệu đồng/m2 và diện tích tối đa 70 m2/căn hộ. Như vậy, mỗi căn hộ chỉ có giá khoảng 1,4 tỉ đồng. Ngoài ra, Chính phủ sẽ đưa ra nhiều ưu đãi khuyến khích chủ đầu tư xây dựng nhà ở thương mại giá thấp khi chủ đầu tư tham gia làm nhà thương mại giá dưới 20 triệu đồng/m2 sẽ được ưu tiên chậm nộp tiền sử dụng đất trong thời hạn tối đa 2 năm, giảm 50% tiền sử dụng đất, được miễn thủ tục thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở, ưu đãi về vốn, lãi suất vay vốn ngân hàng từ 7 - 8%/năm. Nếu dự án đã thực hiện thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở thì được miễn cấp giấy phép xây dựng...
Điểm đặc biệt, Chính phủ sẽ yêu cầu các địa phương khi lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết phải bố trí tỷ lệ quỹ đất ở để xây dựng nhà ở thương mại giá thấp tương đương tối thiểu 30% tổng diện tích đất ở trong dự án. Ngoài ra, Bộ cũng đưa ra các giải pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, đẩy nhanh việc cải tạo chung cư cũ, sửa đổi các quy định để tháo gỡ vướng mắc thủ tục nhằm tăng nguồn cung nhà ở, góp phần bình ổn thị trường.
Bộ Xây dựng cho biết khi ban hành hàng loạt chính sách ưu đãi, thời gian tới nguồn cung nhà ở thương mại giá thấp sẽ tăng nhanh, tránh tình trạng lệch pha cung cầu như hiện nay khi nhà ở cao cấp chiếm đa số, nhà giá rẻ vắng bóng, giá nhà nhờ đó sẽ phù hợp hơn với thu nhập của đa số người dân.

Giảm “chi phí không tên”

Tuy nhiên, ông Trần Khánh Quang, một chuyên gia công tác nhiều năm trong lĩnh vực BĐS, cho rằng, chính sách thúc đẩy nhà ở xã hội đã đề cập nhiều, nhưng triển khai rời rạc và không đúng mục tiêu. Do vậy để triển khai cần có một kế hoạch tài chính dài hạn nhằm đảm bảo phát triển bền vững chứ không chỉ là kêu gọi phong trào. Đối với kế hoạch cải tạo chung cu cũ, nên khuyến khích về mặt chỉnh trang đô thị hơn là kêu gọi làm nhà giá rẻ vì đất toàn vị trí trung tâm.
Theo Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu, nếu thay đổi cách thu tiền sử dụng đất, chuyển thành sắc thuế đánh trên “hành vi chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp thành đất ở”, với thuế suất xác định minh bạch (có thể bằng khoảng 15 - 20% giá đất trong bảng giá đất), thì vừa loại trừ được cơ chế “xin - cho” nhũng nhiễu, vừa làm giảm mức nộp tiền sử dụng đất so với cách làm hiện nay, sẽ góp phần kéo giảm giá thành nhà ở, từ đó tạo điều kiện kéo giảm giá bán nhà ở
Ngoài ra, nếu thời gian thực hiện thủ tục hành chính càng rút ngắn thì càng có lợi cho xã hội, cho nền kinh tế, cho các doanh nghiệp và người dân, người mua nhà. Trong 5 năm qua, đã có hàng trăm dự án nhà ở bị ách tắc thủ tục đầu tư xây dựng, do dự án có quỹ đất hỗn hợp, hoặc có sử dụng đất công thuộc diện rà soát, kiểm tra, thanh tra, thậm chí có dự án không vướng mà vẫn bị kéo dài thủ tục hành chính. Đi đôi với việc hoàn thiện thể chế pháp luật, các doanh nghiệp BĐS kỳ vọng kết quả thực hiện đề án chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, một cửa liên thông cấp độ 4 (công chức giải quyết hồ sơ yêu cầu và thủ tục hành chính, nhưng không tiếp xúc trực tiếp với người dân, doanh nghiệp) sẽ vừa rút ngắn thời gian làm thủ tục hành chính, vừa khắc phục được tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, đồng thời góp phần thiết thực kéo giảm giá nhà ở.
“Chi phí không tên nhiều hay ít, tăng hay giảm phụ thuộc vào kết quả của việc nhà nước kiến tạo môi trường kinh doanh theo hướng ngày càng minh bạch, trong suốt và có tính giải trình, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. Nhưng, để kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thì trước hết phải giải quyết điểm nghẽn về thể chế pháp luật. Giảm được chi phí không tên sẽ góp phần làm giảm giá thành nhà ở. Đồng thời, từng doanh nghiệp cũng phải thượng tôn pháp luật, tuân thủ pháp luật, chấp hành pháp luật và nói không với tiêu cực trong quá trình thực hiện dự án đầu tư”, ông Châu nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.