Tuy nhiên, một nghịch lý đáng báo động là nhiều KCN, CCN sau khi được phép quy hoạch và cấp phép đầu tư xây dựng chủ đầu tư đã không thực hiện và đa số các dự án bị đóng băng, quy hoạch treo kéo dài khó thực hiện. Trong khi đó, đời sống người dân nằm trong vùng quy hoạch phần lớn gặp khốn khó, không thể sản xuất làm ăn gì được do quy hoạch treo... |
Quy hoạch tràn lan
Con đường ĐT746 bắt đầu từ thị xã Thủ Dầu Một đến địa phận phía Nam huyện Tân Uyên, các KCN được quy hoạch như vũ bão. Chỉ tính riêng xã Khánh Bình, huyện Tân Uyên có đến 5 khu, cụm công nghiệp được quy hoạch nằm liền kề nhau với hàng ngàn hecta như: KCN Nam Tân Uyên I, Nam Tân Uyên II, KCN Khánh Bình với 612ha, CCN chế biến gỗ Khánh Bình 200ha (nay là KCN Xanh Bình Dương), CCN Thạc Ban-Khánh Bình 242ha, CNN Dốc Bà Nghĩa-Hội Nghĩa-Khánh Bình rộng 687ha...Ngoài ra, chưa kể hết các CNN có quy mô nhỏ khác.
Khu công nghiệp mở màn đưa công nghiệp phát triển về vùng đất Tân Uyên nghèo khó là KCN Nam Tân Uyên I nằm trên địa bàn xã Khánh Bình đã được Chính phủ cấp phép xây dựng trên 360 ha. Thế nhưng, sau 4 năm triển khai xây dựng, đến nay KCN này duy nhất có một nhà đầu tư vào đây. Phần lớn diện tích KCN Nam Tân Uyên I vẫn chưa hoàn thành cơ sở hạ tầng, trong khi đó trên diện tích đất quy hoạch của KCN đã mọc lên một cánh đồng sắn xanh rì. KCN Nam Tân Uyên I xây dựng chưa ra hồn, một KCN Nam Tân Uyên II có quy mô lớn với hơn 600ha cũng được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt quy hoạch vào tháng 5/2005, giao Công ty Cổ phần Xây dựng Tư vấn Đầu tư Bình Dương (BICONSI) làm chủ đầu tư. Sau một thời gian triển khai đền bù giải phóng mặt bằng đến đầu năm 2006, Công ty BICONSI đã đổ vào đây hàng chục tỷ đồng tiền đền bù cho dân, nhưng không biết lý do gì, chủ đầu tư BICONSI đã bỏ của chạy lấy người và dự án trên đã ngừng thực hiện vô thời hạn. Sau khi KCN Nam Tân Uyên II ngừng hoạt động đã để lại nhiều khó khăn cho chính quyền và người dân sống treo trong vùng quy hoạch không thể sản xuất, kinh doanh gì được từ đó đến nay.
Cũng tại xã Khánh Bình, gần KCN Nam Tân Uyên II còn có một CCN quy mô hơn 200 ha do Công ty TNHH Đầu tư- Xây dựng- Kinh doanh Khải Thái làm chủ đầu tư. Đã qua hai năm nay, CCN gỗ trên vẫn còn nằm trơ để cho gió thổi. Không có một cơ sở hạ tầng nào được xây dựng; không có chỗ bố trí tái định cư cho người dân. Trong khi đó, mới đây theo đơn xin của chủ đầu tư và đề nghị của UBND tỉnh Bình Dương, Chính phủ đã cho phép nâng CNN lên thành KCN với tên gọi KCN Xanh Bình Dương. Hơn nửa năm có giấy phép đầu tư, chủ đầu tư Công ty Khải Thái vẫn chưa triển khai thực hiện và người dân địa phương rất bức xúc vì dự án treo.
Bà Bùi Thị Lý, quyền Trưởng phòng Kinh tế huyện Tân Uyên cho biết, dù được Chính phủ phê duyệt nhưng dự án KCN Xanh Bình Dương khi triển khai sẽ gặp nhiều khó khăn nhất định, bởi trên khu quy hoạch KCN đã có khoảng 20 lò nung gạch ngói đang hoạt động ngổn ngang và việc di dời các nhà máy này hết sức khó khăn. Bà Lý cho rằng, sau khi có được giấy phép đầu tư của Chính phủ, đáng ra chủ đầu tư KCN Xanh Bình Dương phải áp giá đền bù, giải phóng mặt bằng triển khai xây dựng công trình đúng lộ trình đã phê duyệt nhưng qua nhiều lần liên hệ với chủ đầu tư vẫn không động tĩnh gì về việc triển khai dự án.
Công nghiệp phát triển, sao dân vẫn khổ
Từ một huyện nông nghiệp, Tân Uyên đã chuyển mình phát triển công nghiệp rất phù hợp với chủ trương của tỉnh. Tuy nhiên, giải pháp tăng tốc công nghiệp hóa quá nhanh, quy hoạch quá nhiều KCN như một cơn lốc khiến Tân Uyên không những không phát triển được công nghiệp như ý mà trái lại trở thành gánh nặng, thậm chí phải khắc phục hậu quả, sửa chữa những dự án làm sai còn khó khăn hơn. Nhưng có lẽ, hậu quả đánh trực tiếp là vào người dân.
Chỉ tính trên địa bàn xã Khánh Bình trong vòng 5 năm qua đã có hàng trăm hộ dân phải di dời đến nơi ở khác, để nhường đất phát triển nhiều KCN. Tuy nhiên, ít ai nghĩ tới người dân xã Khánh Bình đã gặp khó khăn khi công nghiệp phát triển. Không riêng gì Khánh Bình, ở phía Nam huyện Tân Uyên gồm các xã và thị trấn như: Thái Hòa, Tân Phước Khánh, Tân Vĩnh Hiệp, Uyên Hưng... tập trung phần lớn các dự án phát triển công nghiệp, các KCN đã lên sẵn quy hoạch, thế nhưng vẫn chưa xuất hiện một khu dân cư được đầu tư bài bản để đảm bảo cuộc sống cho bà con bị giải tỏa. Hệ quả sau khi giải tỏa dân tự phân tán mua đất khắp nơi, nhiều hộ mua đất, xây nhà chen lẫn các nhà máy, xí nghiệp nằm ngoài KCN, CCN không đảm bảo cuộc sống cũng như môi trường.
Anh Trần Văn Tốt, ở tổ 6, ấp 3B, xã Khánh Bình cho biết, khi Nhà nước có chủ trương xây dựng KCN Nam Tân Uyên 2, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ, thậm chí rất phấn khởi. Gia đình tôi quyết định giao tài sản cho Công ty BICONSI nhận đền bù 199 triệu đồng để đi nơi ở khác, nhường đất lại xây dựng KCN. Thế nhưng, KCN Nam Tân Uyên không còn xây dựng nữa, chủ đầu tư đã bỏ chạy, trong khi cuộc sống trên khoảnh đất 500m2 trước đây của anh Tốt là đất mặt tiền để sống nghề buôn bán đã nằm phơi với gió. Giờ gia đình anh đi nơi ở mới, thất nghiệp, phải bóc vỏ hạt điều theo thời vụ với thu nhập thấp. Bà Huỳnh Thị Rồi bức xúc: khi Nhà nước họp dân đền bù xây dựng KCN chúng tôi hết sức mừng vì nghĩ KCN Nam Tân Uyên xây dựng con cháu mình sẽ có công ăn việc làm, thế là chúng tôi chấp thuận nhường đất cho chủ đầu tư xây dựng KCN nhưng đến giờ này chẳng thấy Khu công nghiệp đâu.
Theo website Bộ Tài nguyên Môi trường
Bình luận (0)