Chỉ được thu hồi đất nông nghiệp vì mục đích công cộng

04/01/2011 13:50 GMT+7

(TNO) Đây là một trong những định hướng xây dựng và hoàn thiện pháp luật trong một số lĩnh vực cụ thể của giai đoạn 2011 - 2020 theo dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH).

Trong báo cáo sơ kết việc triển khai kế hoạch số 900 thực hiện Nghị quyết số 48 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Ủy ban TVQH nêu dự kiến hướng xây dựng và hoàn thiện pháp luật về lĩnh vực đất đai giai đoạn tới là “phải bảo vệ nghiêm ngặt đất nông nghiệp của nông dân”.

Theo đó, Nhà nước chỉ thu hồi đất của nông dân vì mục đích công cộng được định nghĩa hẹp (như bao gồm các mục đích phục vụ an ninh, quốc phòng, giao thông công chính).

Còn lại tất cả các dự án có tính thương mại khác như chuyển đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, đất ở, kinh doanh, đất xây dựng trường học, bệnh viện, chủ đầu tư phải thương lượng để mua lại quyền sử dụng đất của nông dân theo giá thỏa thuận.

Ngoài ra, trong định hướng xây dựng và hoàn thiện pháp luật 10 năm tới, Ủy ban TVQH cũng dự kiến sẽ hoàn thiện thể chế tài chính công, tạo cơ chế kiểm soát hiệu quả các khoản vay nợ nước ngoài và chi tiêu ngoài ngân sách, kể cả các khoản bảo lãnh của Chính phủ cho các doanh nghiệp Nhà nước vay vốn, đảm bảo sử dụng lâu dài các nguồn tài sản này phải được thể hiện trong ngân sách Nhà nước và quá trình sử dụng chúng phải chịu sự giám sát của các cơ quan dân cử.

Về công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật về đảm bảo quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân phù hợp với yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, các cơ quan sẽ tiếp tục nghiên cứu luật hóa các quyền hiến định của công dân theo hướng nghiên cứu, ban hành mới các luật về những quyền chưa được cụ thể hóa, “như quyền tự do lập hội, quyền tự do hội họp, quyền được trưng cầu dân ý, quyền được bảo vệ dữ liệu cá nhân, quyền tiếp cận thông tin…”.

Ủy ban TVQH cũng dự kiến tiến hành tổng kết việc thi hành, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định của Hiến pháp 1992, trong đó, tiếp tục nghiên cứu thể chế hóa các chủ trương của Đảng về nguyên tắc tổ chức quyền lực Nhà nước trong Hiến pháp và các luật về tổ chức bộ máy Nhà nước, đặc biệt là nguyên tắc “tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân” và nguyên tắc phân công thực hiện quyền lực Nhà nước phù hợp với các nội dung mới trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển) và Chiến lược phát triển KT-XH 2011 - 2020, Báo cáo Chính trị do ĐH Đảng XI thông qua.

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.