Đánh thuế lũy tiến nhà đất, có khả thi?

02/03/2008 22:39 GMT+7

Chủ trương đánh thuế lũy tiến đối với chủ sở hữu có nhiều nhà, đất vượt hạn mức quy định; hoặc có nhà, đất nhưng không đưa vào khai thác sử dụng hiện vẫn gây nhiều tranh cãi.


Với cách quản lý hiện nay, không thể biết được một chủ sở hữu có bao nhiêu BĐS, ở những đâu - Ảnh: D.Đ.M

Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) Nguyễn Mạnh Hà cho rằng, hiện nay lượng cung nhà đất rất thiếu nên việc đánh thuế cao nhằm hạn chế những người lãng phí quỹ nhà, có nhà nhưng không sử dụng.

"Điều này cũng có nghĩa sẽ hạn chế khả năng người ta tích tiền vào nhà gây ra tình trạng đầu cơ, góp phần làm cho nguồn cung nhà được cân bằng", ông Hà nói.

Theo chỉ thị của Thủ tướng về lành mạnh hóa thị trường bất động sản (BĐS), các bộ ngành sẽ phải đưa ra hạn mức đất ở (Bộ Tài nguyên và Môi trường), hạn mức nhà ở (Bộ Xây dựng). Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính sẽ đưa ra mức thuế lũy tiến trên cơ sở mức thuế suất cơ bản. Đồng quan điểm ủng hộ đánh thuế lũy tiến, GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng: "Mục tiêu quan trọng nhất của việc đánh thuế lũy tiến, theo tôi là góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Thuế ít thì muốn sử dụng đất thế nào cũng được, thậm chí là bỏ hoang nhưng nếu thuế cao thì dứt khoát phải tính toán sử dụng đất có hiệu quả nhất. Việc đánh thuế như thế còn tạo ra sự công bằng xã hội, tạo điều kiện cho nhiều người có thể tiếp cận với nhà, đất ở. Nguồn thu từ thuế này có thể hình thành quỹ nhà hỗ trợ nhà ở cho người nghèo". 

Tuy nhiên, tổng giám đốc một công ty kinh doanh BĐS cho rằng, việc đánh thuế lũy tiến với BĐS sẽ không khả thi, thậm chí làm giá nhà đất bị đẩy lên cao hơn. "Nếu nhà đầu tư mua khoảng một chục căn hộ với ý định kinh doanh cho thuê (Luật Kinh doanh BĐS cho phép) nhưng nếu chưa cho thuê được hết sẽ bị đánh thuế lũy tiến vì có đến chục cái nhà như vậy sẽ rất bất hợp lý", vị này nói. Một nhà đầu tư khác lo lắng: "Khi quy định về mức thuế lũy tiến (ví dụ trên 100m2 sẽ bị đánh thuế lũy tiến), các nhà hoạch định chính sách tính thế nào trong trường hợp nhà đất tôi có được do thừa kế. Không lẽ tôi không được phép ở nhà rộng hơn 100m2 mặc dù thu nhập hiện tại của tôi không đủ để nộp thuế?".

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam: “Đối tượng chịu thuế nhà, đất là người sử dụng BĐS, sử dụng đất và sở hữu nhà. Có thể sẽ quy định hạn mức diện tích nhà ở là 30m2/người. Nếu vượt quá số này sẽ bị đánh thuế. Về nguyên tắc sử dụng nhiều đất, sở hữu nhiều diện tích nhà ở thì phải chấp nhận đóng thuế, chia sẻ lợi ích với người khác vì đất đai là sở hữu chung của toàn dân. Đối với doanh nghiệp kinh doanh BĐS, việc đánh thuế sẽ có những quy định riêng, nhưng trên tinh thần đánh thuế trên diện tích đất sử dụng. Sẽ tránh được tình trạng doanh nghiệp nhận đất mà bỏ hoang hoặc sử dụng không hiệu quả. Chắc chắn, việc này sẽ hạn chế được phần nào hiện tượng đầu cơ. Tất nhiên biện pháp nào cũng có 2 mặt, có những kẽ hở, chúng ta sẽ phải tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện dần chính sách. Nhưng không có nghĩa là vì khó mà không làm - Duy Kiên (ghi)

TS Phạm Sỹ Liêm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển hạ tầng đô thị phân tích: "Nếu đánh thuế lũy tiến có nghĩa là chỉ thừa nhận một loại hình là mua nhà, đất để ở. Trong khi đó, luật cho phép mọi người có thể mua để ở, hoặc để kinh doanh. Một nhà đầu tư xây dựng 50 căn biệt thự sẽ "chết" (vì thuế) nếu như chỉ bán được 10 căn, 40 căn còn lại chưa có ai mua". Giám đốc Trung tâm Giao dịch BĐS Hà Nội Nguyễn Văn Minh cho rằng khó có thể áp dụng được việc đánh thuế lũy tiến. "Làm sao mà thống kê được một người sở hữu bao nhiêu m2 nhà, đất? Ví dụ ở Hà Nội hiện nay hạn mức đất ở trong đường vành đai 2 là 120m2, vành đai 3 là 180m2, ở Sóc Sơn tới 400m2, thì lấy lũy tiến từ mức nào?", ông Minh đặt câu hỏi.  Theo một nguồn tin không chính thức, mức thuế suất cơ bản đang được đề nghị ở mức 30.000 đồng/m2 và hạn mức sở hữu nhà cho một hộ gia đình là 100m2. Thuế suất lũy tiến được đánh từng phần từ 130 - 200%.

An Nguyên 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.