Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây các cơ quan: TAND, Viện KSND, thi hành án và công an tại TP.HCM đã có văn bản liên sở số 6280/1994 hướng dẫn thủ tục mua bán nhà và văn bản số 771 ngày 3.10.1995 hướng dẫn văn bản 6280. Trong đó quy định chỉ có 4 cơ quan trên được phép gửi công văn đến Phòng công chứng yêu cầu ngăn chặn việc giao dịch một tài sản nào đó. Đây có thể gọi là các cơ quan ngăn chặn chính thức. Trong trường hợp các cá nhân hoặc tổ chức khác có văn bản yêu cầu ngăn chặn thì Phòng công chứng sẽ có văn bản trả lời, yêu cầu họ gửi đơn đến các cơ quan có thẩm quyền ngăn chặn trên theo đúng quy định...
Theo quy chế, trong trường hợp công chứng viên nhận được thông tin tham khảo của các cá nhân, hoặc tổ chức khác thì họ có trách nhiệm hướng dẫn những cá nhân liên quan thực hiện việc ngăn chặn theo đúng quy định. Trong khi chờ các cá nhân này làm đúng quy trình thì công chứng viên phải tạm dừng việc giao dịch. Theo thống kê, từ ngày 1.7.2005 đến nay, các phòng công chứng trên địa bàn TP.HCM đã nhận được 750 trường hợp xin ngăn chặn hợp pháp. |
Và quy chế "quản lý, vận hành và sử dụng chương trình thông tin ngăn chặn" của Sở Tư pháp TP.HCM ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu đó. So với quy định cũ thì quy chế này cho phép một số cơ quan có thẩm quyền khác ngăn chặn như: UBND TP.HCM, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất và quyền sở hữu công trình xây dựng trong trường hợp thu hồi giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật về nhà ở, xây dựng và đất đai. Sở dĩ quy chế mở rộng thêm các đối tượng có thẩm quyền ngăn chặn (UBND, các cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất...) vì trên thực tế có những trường hợp cấp giấy chứng nhận không đúng thẩm quyền, vì vậy cần phải ngăn chặn để tránh trường hợp các tài sản trên bị giao dịch trái luật. Theo quy định mới hiện nay thì không chỉ có Phòng công chứng có thẩm quyền công chứng các giao dịch mà còn có UBND các cấp. Tuy nhiên, quy chế này mới tập trung vào việc quản lý các thông tin ngăn chặn ở các Phòng công chứng.
Quy chế cũng quy định, trường hợp các cá nhân hoặc tổ chức không thuộc các cơ quan trên có văn bản ngăn chặn gửi đến Phòng công chứng thì đây được xem là thông tin tham khảo. Tại điều 4 quy chế nêu rõ: "Đối với thông tin tham khảo, Công chứng viên xem xét, quyết định việc công chứng hợp đồng, giao dịch về tài sản có liên quan theo quy định của pháp luật". Khi nhận được thông tin này, các Phòng công chứng tự đánh giá và chịu trách nhiệm về quyết định cho phép một tài sản nào đó được phép giao dịch hay không. Chính vì vậy, sẽ không có chuyện "tài sản đang có tranh chấp mà vẫn có thể giao dịch".
Trao đổi với PV Thanh Niên, tiến sĩ Nguyễn Đức Chính, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM cho biết, quy chế trên nhằm khai thác hiệu quả dữ liệu của các Phòng công chứng nhằm dễ quản lý. Mặt khác, quy chế cũng nhằm hạn chế trường hợp các cá nhân kiện tụng tại Phòng công chứng không đúng quy định. "Chẳng hạn, có một tranh chấp dân sự, thì họ phải gửi đơn kiện đến tòa án giải quyết, rồi tòa sẽ ra quyết định ngăn chặn giao dịch, chứ không phải có tranh chấp gì cũng gửi đơn đến Phòng công chứng để xin ngăn chặn. Ngoài ra, quy chế không hề "sáng tác" gì về luật cả" - ông Chính cho biết.
Minh Thuận
Bình luận (0)