Nóng bỏng thị trường bất động sản Việt Nam tại nước ngoài

04/03/2008 23:40 GMT+7

Sự nóng lên của thị trường bất động sản (BĐS) Việt Nam đã thu hút gần 100 nhà kinh doanh BĐS từ khắp nơi trên thế giới đến với hội thảo "Vietnam Real Estate 2008" tổ chức tại Singapore trong hai ngày 4 - 5.3. Hơn 50 doanh nghiệp trong nước cũng sang Singapore để tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài.

Nhiều doanh nghiệp hướng vào Việt Nam

Chiếm tỷ lệ áp đảo trong thành phần tham dự là các công ty Singapore và các tập đoàn nước ngoài đặt văn phòng tại Singapore. Nhiều doanh nghiệp Malaysia, Đài Loan, Thái Lan và từ những nước Tây u cũng đến đây tìm hiểu cơ hội làm ăn.

Martin Lund từ công ty phát triển BĐS có cái tên rất ngộ 100% (của Đan Mạch) cho biết, anh vừa từ Bắc u sang và thật sự chưa biết nhiều về Việt Nam. Việt Nam là bước tiếp theo sau khi doanh nghiệp này đã có cơ sở ở Singapore. Sau gần 4 giờ tham dự hội thảo, anh cho biết có thể hướng tới một dự án phát triển khu dân cư tại tỉnh Hà Tây. Ken Wee, Giám đốc phát triển kinh doanh Công ty Independent Projects Associates của Singapore cũng tìm đến đại diện Bộ Kế hoạch - Đầu tư thể hiện nguyện vọng mở văn phòng ở Hà Nội. Trong khi đó, Wong Meng Fook của Tập đoàn FedEx Express muốn tìm kiếm những địa điểm để có thể phát triển BĐS cho thuê làm trung tâm hậu cần. Bà Len Siew Lian, Tổng giám đốc marketing của Wing Tai Property Management Pte Ltd, mong muốn tìm đối tác ở TP.HCM để kinh doanh nhà ở...

Sáng 4.3, trước khi diễn ra hội thảo chính thức, đoàn Việt Nam đã đến tham quan, trao đổi kinh nghiệm với Tổng cục Tái phát triển đô thị (URA), cơ quan trực thuộc Bộ Phát triển quốc gia và chuyên trách việc quy hoạch và quản lý đất đai Singapore. Bà Mavis MC Tsoi, chuyên viên quy hoạch cao cấp của URA, đã giới thiệu quy trình quy hoạch và phát triển Singapore thành một thành phố hiện đại, gọn gàng, nhiều mảng xanh dù diện tích đất rất hạn chế và mật độ dân cư rất cao. Lãnh đạo các tỉnh thành và các cơ quan quy hoạch và quản lý đất đai nước ta rất ấn tượng về điều này và đặt nhiều câu hỏi. Cuộc trao đổi làm vỡ ra vấn đề cốt lõi trong quy hoạch là tầm nhìn dài hạn, sáng tạo và minh bạch, kế hoạch nhất quán và quyết liệt.

Về phía các doanh nghiệp Việt Nam, có thể thấy sự chủ động tìm kiếm đối tác nước ngoài là một trong những việc hết sức quan trọng trong giai đoạn kinh doanh BĐS ở Việt Nam trở nên hết sức sôi nổi và cạnh tranh. Một vài doanh nghiệp cho biết sang Singapore lần này là để tìm hiểu nhu cầu, yêu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài. Hầu hết còn lại là tìm kiếm đối tác góp vốn, công nghệ hoặc góp phần đưa dự án của họ đến với khách hàng.

Địa điểm đầu tư hấp dẫn

Không tập trung vào hai thành phố lớn của Việt Nam là TP.HCM và Hà Nội, nơi mà giới đầu tư BĐS cho rằng đã quá nóng và muộn khi bây giờ mới đặt vấn đề đầu tư nữa vào đây, hội thảo lần này tập trung giới thiệu những cơ hội đầu tư ở những địa bàn lân cận Hà Nội như: Hà Tây, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng. Bên cạnh kế hoạch phát triển nhà ở, các tỉnh này chú trọng kêu gọi đầu tư phát triển khu công nghiệp, hạ tầng và du lịch. Thừa Thiên - Huế đặc biệt kêu gọi đầu tư vào du lịch. 

Giáo sư Tay Kheng Soon từ Tập đoàn Akitek Tenggara, người khơi mào cho nhiều doanh nghiệp Singapore đầu tư vào các dự án phát triển du lịch tại Huế và mới đây nhất là bản ghi nhớ hợp tác phát triển, quản lý sân bay quốc tế Phú Bài giữa Cụm cảng hàng không miền Trung và Tập đoàn Changi Airports International, cho biết ông rất tin tưởng vào tiềm năng du lịch của Việt Nam. Tại hội thảo, ông gần như đóng vai trò "chủ nhà" giới thiệu tiềm năng du lịch của Thừa Thiên - Huế.

Marc Towsend, Giám đốc điều hành CB Richard Ellis Việt Nam, Zulkifli Baharudin, Giám đốc điều hành Global Biz Integrators Pte Ltd của Singapore và có hàng chục năm kinh doanh tại Việt Nam, cũng khẳng định Việt Nam đang là một địa điểm đầu tư BĐS hấp dẫn.

Một số vướng mắc

Trong các cuộc thảo luận ngắn của phiên khai mạc, đại diện các công ty kinh doanh, môi giới, dịch vụ pháp lý về BĐS tại Việt Nam cũng đề cập đến những vướng mắc trong hoạt động của họ. Bà Margaret Brooke, Tổng giám đốc điều hành Professional Property Services Ltd, trụ sở tại Hồng Kông và hoạt động tại Việt Nam hơn 15 năm qua, cho biết hoạt động quản lý và kinh doanh BĐS tại Việt Nam vẫn còn nhiều điều không rõ ràng. Cô Nguyễn Sương Đào, luật sư điều hành của Tập đoàn Mayer Brown JSM tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam có những kế hoạch quy hoạch tổng thể rất tuyệt vời, nhưng thực hiện thì lắm bất cập. Điều đó gây khó khăn không ít cho những nhà đầu tư, kinh doanh BĐS. Còn ông David Blackhall, Giám đốc điều hành VinaCapital thì than phiền về vấn đề di dời, tái định cư để thực hiện dự án.

Giáo sư Đào Nguyên Cát, Tổng biên tập Tạp chí Vietnam Economic Times, đơn vị phối hợp với Synergy Int'l Events tổ chức cuộc hội thảo này, khẳng định lĩnh vực BĐS Việt Nam đang trở nên rành mạch, quy chuẩn hơn. Còn Phó giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Hà Tây Nguyễn Văn Tứ cam kết sẽ không có trở ngại nào đối với nhà đầu tư nước ngoài hợp tác với tỉnh này trong phát triển BĐS.

Ngày mai hội thảo dành trọn ngày để các tỉnh và các doanh nghiệp giới thiệu cụ thể dự án kêu gọi đầu tư. Các nhà đầu tư nước ngoài cho biết họ mong đợi nhiều hơn ở ngày thứ hai này với hy vọng sẽ tìm được những đối tác kinh doanh thích hợp tại Việt Nam.

“Những hội nghị kêu gọi hợp tác đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực BĐS cũng là điều kiện để các nhà đầu tư biết rõ hơn về hoạt động đầu tư trong nước. Nhưng cần cân nhắc nên kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nào. Ví dụ, những vấn đề quy hoạch, thiết kế các cụm công trình lớn, có tính quốc tế thì hiện nay doanh nghiệp (DN) trong nước đang yếu, rất cần có sự hợp tác hỗ trợ của DN nước ngoài. Tuy DN trong nước thời gian qua đã lớn mạnh về kinh nghiệm, nỗ lực tạo dựng thương hiệu nhưng còn yếu về năng lực tài chính để thực hiện các dự án. Nên khuyến khích nếu có những "bắt tay" liên doanh với DN nước ngoài để thúc đẩy dự án phát triển. Về lâu dài, các DN trong nước rất cần liên kết, hợp tác để trở thành những DN mạnh, đủ sức đối trọng, cạnh tranh lành mạnh với DN nước ngoài, thúc đẩy thị trường BĐS cùng phát triển”.

Ông Lê Hoàng Châu, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM

“Trong bối cảnh hiện nay, việc siết lại cho vay tín dụng BĐS của ngân hàng đang đặt các DN trong nước vào tình thế vô cùng khó khăn. Theo tôi, nếu kéo dài tình trạng này, sẽ có ít nhất 50% DN BĐS trong nước bị phá sản. Lúc đó, các DN nước ngoài với tiềm lực tài chính mạnh, sẽ áp đảo thị trường. Vì vậy, việc liên kết giữa các DN trong nước với nhau cũng cần thiết, tuy nhiên chính sách của Nhà nước cũng cần phải bình đẳng. Tôi lấy ví dụ: trong khi mức thuế thu nhập DN đối với DN nước ngoài là 25% thì DN trong nước phải đóng 28%; hoặc một số chính sách khác như giao đất, cho thuê đất, các thủ tục về quy hoạch, xây dựng đối với DN trong nước vẫn rất nhiêu khê khiến cho sức cạnh tranh của DN trong nước bị sút giảm so với DN nước ngoài”.

Ông Nguyễn Văn Khởi, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh nhà (Intresco)

 T.T.Bình (ghi) 

* Hai doanh nghiệp Hàn Quốc là Rombus Inc. và Union Network Company vừa đến Đà Nẵng đầu tháng 3.2008 để xúc tiến đầu tư vào khu đô thị số 4 Nam cầu Tuyên Sơn diện tích 72 ha, tiếp giáp sông Hàn (P.Khê Mỹ, Q.Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng). Theo đó, tại đây sẽ được xây dựng khu phức hợp - là trung tâm thương mại - dịch vụ - du lịch và nhà ở cao cấp - với những cao ốc 25 - 30 tầng, tòa nhà 50 tầng ở điểm gần cầu Tuyên Sơn. (X.Toàn)

* Giá văn phòng cho thuê tại Việt Nam cao thứ 2 Đông Nam Á. Đó là kết quả điều tra của Công ty tư vấn bất động sản Cushman & Wakefiel (Mỹ). Việt Nam hiện giữ vị trí thứ 5 tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thứ 17 trên thế giới về các quốc gia có giá cho thuê văn phòng đắt nhất. Theo Cushman & Wakefiel, giá thuê tại các trung tâm thương mại ở Việt Nam đã tăng 40% trong năm 2007 và đạt bình quân 68 USD/m2/tháng do sự thiếu hụt nguồn cung các văn phòng hạng ưu và văn phòng hạng A tại TP.HCM. (N.Hằng)

* Giá đất nền dự án Him Lam - Kênh Tẻ, Q.7 (TP.HCM) giảm nhưng vẫn cao. Giá nền nhà phố được giao dịch khoảng 60 - 70 triệu đồng/m2 tùy vị trí; mức giá này giảm 2 - 5 triệu đồng/m2 so với giữa tháng 1 nhưng đắt gấp 3 lần so với đầu năm 2007 (khoảng trên 20 triệu đồng/m2)... (N.Hằng)

* Giá nhà đất khu ngoại ô Đà Nẵng ổn định. Với loại đường 7,5m, ở khu dân cư Hòa Minh 1 và 2 (Liên Chiểu, Đà Nẵng), giá giao dịch đứng từ 330 - 340 triệu đồng/lô loại 90m2; đường 5,5m giá hiện tại cũng chỉ dao động  170 - 180 triệu đồng/lô. Đường mặt tiền, diện tích 15 x 17m giá 1,9 tỉ đồng, so với hai tháng trước đó giá không chênh nhau đáng kể. (Đặng Cường Trung)

 Thục Minh (Văn phòng Singapore)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.