Thị trường có "địa" không "ốc" - hậu quả của đầu cơ đất

21/11/2005 16:16 GMT+7

Mốt "lên thành phố” ở các địa phương đã tạo ra những cơn sốt đất đai. Không biết bao nhiêu tiền của đổ vào đất rồi... để đó chờ thời và tạo thành một thị trường chỉ có “địa” mà không có “ốc”. Thị trường “địa” không chỉ thu hút phần lớn nguồn vốn đầu tư của xã hội, mà còn là rào cản đối với các nhà đầu tư. Bởi người thực sự muốn đầu tư phải tốn chi phí nhiều hơn cho đất đai.

Một phút huy hoàng...

Quy họach tổng thể của thành phố mới Nhơn Trạch (Đồng Nai) vẫn đang được Bộ Xây dựng thẩm định, Chính phủ chưa phê duyệt. Nhưng những bản quy hoạch đẹp đẽ của thành phố tương lai này được niêm yết công khai khắp nơi: trong những cánh rừng cao su, ruộng mì, ruộng lúa, bên cạnh nghĩa trang... là cơ hội làm ăn cho đầu cơ đất đai.

Ngay khi manh nha có tin về việc hình thành thành phố mới Nhơn Trạch, giới kinh doanh đất đã đi tắt, đón đầu. Từng đòan xe du lịch từ Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM chở kình kình những bao tải tiền đến Nhơn Trạch mua đất. Có người mua sỉ, thông báo rộng rãi mua cả khu vực. Cứ nông dân nào mang sổ đỏ đến nộp là trả ngay tiền mặt. Đất có nhà được ưu tiên mua trước. Sau đó là tới đất ruộng.

Giá tăng chóng mặt, giá đất đã tăng hàng chục lần chỉ trong vòng 3 – 4 năm nay. Miếng đất mặt tiền đường ấp Cát Lái, Phú Hữu cách Ủy ban huyện chừng 7 km cách đây 3 – 4 năm chỉ 16 triệu đồng/miếng 20 x 20 m. Qua nhiều đời chủ, nay miếng này đã được cưa đôi thành 2 miếng với giá 250 triệu đồng/miếng. Kêu giá vậy thôi, chứ chủ không bán, để đó chờ thời.

Ở khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh), cùng với sự phê duyệt quy hoạch của Chính phủ là một cơn sốt đất và sự hình thành đội ngũ "cò" đất ngay cạnh “thành phố mặt trời”. Những khu đất ruộng loáng một cái được chào bán với giá đất ở đô thị hàng trăm triệu đồng/miếng 200m2.

Tương tự, những năm từ 2000 đến 2003, giá đất ở Đà Nẵng sốt lên từng ngày. Cứ hình dung 60.000 hộ (xấp xỉ ½ dân số Đà Nẵng) ấy được giải toả, nhà nào cũng được đền bù một món tiền, được bố trí một nơi ở mới; nhưng thường là người ta không ưng và lại bán đi để đi tìm một mảnh đất khác hoặc là đẹp hơn, hoặc là nhỏ hơn, rẻ hơn để còn đủ tiền mà xây nhà... Và vì thế có thể nói, trong mấy năm qua, quá nửa số dân Đà Nẵng tham gia vào cuộc mua bán nhà đất. Ai cũng có thể là người bán đất và ai cũng có thể là người hỏi mua đất. Giá đất cứ thế mà lên, hô giá nào cũng có người đồng ý mua.

...Rồi chợt tắt

Mấy năm liền, người dân các thành phố hay đô thị mới dường như sống trong cơn sốt của những giá trị gia tăng từ đất. Cơn sốt đất hình thành nên một lớp người làm dịch vụ mà ta quen gọi là cò đất.

Ở Đà Nẵng, nhiều người chỉ qua một, hai lần bán đất, đổi nhà đã quen đường đi nước bước và trở thành "cò" đất. Các cửa hàng dịch vụ nhà đất mọc lên nhan nhản! Qua phà Cát Lái, bước vào địa phận Nhơn Trạch, loại dịch vụ đầu tiên có thể bắt gặp khắp nơi là "cò" đất. Bạn có thể dễ dàng gặp "cò" đất ở bất cứ nơi nào, trong quán cà phê, tiệm sửa xe, và ngay cả giữa đồng không mông quạnh. Họ hướng dẫn tận tình, chi tiết, chỉ ra được từng vị trí của con đường, cây cầu tương lai.

Tình trạng “chờ thời” không chỉ diễn ra ở các nhà đầu cơ đơn lẻ. Ở Nhơn Trạch, nhiều chủ dự án lớn cũng ôm những vị trí đất đẹp cùng một bảng quy hoạch rồi... để đó vì chưa có dân. Việc “xí đất” kích giá lên đại trà kiểu như vậy đã làm hình thành một thị trường chỉ có “địa” không có “ốc”.

Sau giai đoạn bùng nổ với những giá trị ảo thu được từ đất đai, người ta đang phải làm quen với một thực tế khắc nghiệt: khủng hoảng thừa. Bước sang đầu 2004, giá nhà đất ở Đà Nẵng dừng hẳn lại, dấu hiệu khủng hoảng thừa đã bắt đầu hiện rõ. Cứ mỗi khu giải toả, mở một con đường với các khu dân cư ô bàn cờ bên cạnh đã đủ để tái định cư số dân tại chỗ, đất hai bên đường được đưa vào khai thác quỹ đất. Và đến lúc mà ai cũng đã định cư ở nhà mới, không khu dân cư nào bị giải toả thêm, thì lượng người tìm mua đất giảm hẳn xuống.

“Thành phố giấy” Nhơn Trạch cũng trong tình trạng tương tự. Không có dân nên không xây nhà và cơ sở dịch vụ. Không xây dựng gì thì không thu hút được dân. Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, lúc mới định hình, giá đang lên người ta bắt buộc phải mua qua "cò". Nhưng nay do... ế quá, người có nhu cầu có thể mua trực tiếp tại chủ dự án với giá... có thể trả giá được.

Sau khi đất đã bị “xí” và kích giá lên hết rồi thì chỉ còn người bán, không có người mua. Bởi theo một nhà đầu tư địa ốc, không thể mua đất để đầu tư khi giá đã bị kích lên.

Bản thân quy hoạch không thể nâng giá trị cho đất nếu không có đầu tư hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội. Tự thân đô thị không trở thành thực thể sống nếu không có dân. Một khi giá đất bị đẩy quá cao thì làm sao hút dân và nhà đầu tư đến? Nếu không đến thì làm sao phát triển đô thị? Câu trả lời này đang đợi các nhà quản lý và hoạch định chính sách phát triển đô thị trả lời.

Nhóm PV SGTT

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.