Thừa Thiên-Huế: Hàng loạt khu đất di tích bị lấn chiếm

18/08/2006 22:39 GMT+7

Đó là chuyện xảy ra dai dẳng suốt nhiều năm qua ở Thừa Thiên-Huế. Từ vụ đập phá trụ biểu của lăng Hiếu Đông (thuộc quần thể lăng Thiệu Trị - Thanh Niên đã phản ánh), đến việc lấn chiếm, xây dựng nhà ở, mồ mả... trong vòng bảo vệ của Đàn Nam Giao, chùa Ba Đồn, Thành Lồi, nhà thờ và lăng mộ Tuy Lý Vương và một loạt di tích triều Nguyễn khác. Điều đáng nói là chính quyền đã làm ngơ cho các vi phạm liên tục xảy ra.

"Xẻ thịt" đất di tích

Điển hình nhất là việc "xẻ thịt" đất di tích chùa Ba Đồn (Báo Thanh Niên từng có bài Khu mộ táng lớn nhất Việt Nam bị xẻ thịt để bán). Từ năm 1996-2005, một người dân địa phương đã tự ý xây nhà ngay trong di tích và đã ngang nhiên bán hàng ngàn mét vuông đất, nhưng không có cơ quan nào can thiệp. Đến nay, chùa Ba Đồn dù đã được UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế xếp hạng di tích, nhưng các ngành chức năng địa phương vẫn chưa có biện pháp xử lý.

Di tích nghĩa trang và nhà lưu niệm Phan Bội Châu (đường Thanh Hải, phường Trường An - TP Huế) cũng bị lấn chiếm nhiều năm mà chính quyền các cấp vẫn xử lý cầm chừng. Khu di tích này do ông Lê Văn Thế được ủy quyền trông coi. Sau đó, ông Thế tự ý cho con ông làm một căn nhà cấp 4. Dù Bảo tàng Lịch sử Cách mạng Thừa Thiên - Huế đã yêu cầu ông Thế dời nhà khỏi nghĩa trang nhưng cho đến nay ông Thế vẫn chưa trả lại mặt bằng cho khu di tích.

Cùng với nghĩa trang, nhà lưu niệm của cụ Phan (53 đường Phan Bội Châu) cũng nằm trong tình trạng bị lấn chiếm. Từ năm 2004, ông Phan Nhật Tĩnh (cháu đời thứ tư của cụ Phan Bội Châu) đã mở rộng nhà ở trong khu vực 2 của di tích khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền, nhưng vụ việc vẫn không được xử lý.

Chiếm trái phép vẫn được cấp giấy

Tại thôn Trường Đá, xã Thủy Biều, TP Huế, di tích Thành Lồi - một di tích Champa có giá trị lịch sử (thế kỷ thứ V). Năm 1993, di tích Thành Lồi đứng số một trong 153 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh được UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế ra quyết định bảo vệ. Trong khuôn viên đất thuộc khu vực Thành Lồi, có 5.300m2 đất nông nghiệp của bà Hoàng Thị Mầu sang nhượng cho ông Lê Minh Lợi. Dù chưa được cấp thẩm quyền cho phép, ông Lợi vẫn san ủi làm mặt bằng kinh doanh. Ngày 10.8.2004, UBND xã đã quyết định xử phạt hành chính đối với ông Lợi về hành vi vi phạm đất di tích, buộc khôi phục lại nguyên trạng. Thế nhưng sau đó, ông Lợi lại tiếp tục xây một nền nhà xưởng rộng 250m2. Tháng 7.2005, Thanh tra Sở Văn hóa - Thông tin và UBND xã tiếp tục lập biên bản về hành vi xây dựng trái phép và vi phạm đất di tích. Dù vậy, ngay sau khi lập biên bản, ông Lợi lại vẫn cho xây dựng hoàn chỉnh nhà xưởng. UBND xã lại lập biên bản vi phạm lần 2, yêu cầu đình chỉ ngay việc thi công. Tháng 9.2005, UBND xã ra quyết định cưỡng chế yêu cầu "tháo dỡ toàn bộ công trình xây dựng trái phép, trả lại mặt bằng theo hiện trạng cũ". Mặc dù vậy, công trình này vẫn ngang nhiên tồn tại. Điều kỳ lạ là ông Lợi đã có được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) do UBND thành phố Huế cấp năm 2003 (?). Vụ việc đã được Sở VH-TT báo cáo với UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm.

Theo số liệu tổng hợp của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, hiện trong số các di tích thuộc quần thể di tích Cố đô Huế đã được công nhận là Di sản văn hóa nhân loại, có hàng chục vụ vi phạm lấn chiếm, xây dựng nhưng đều được cấp phép. Chẳng hạn như: khu vực di tích Đàn Nam Giao hiện có 4 trường hợp đã được UBND TP Huế cấp phép trong thời gian từ năm 2005-2006; Khu vực II thuộc quần thể lăng Tự Đức có 2 trường hợp xây dựng lấn chiếm cũng được cấp phép xây dựng năm 2006; có 6 trường hợp lấn chiếm, xây dựng trái phép tại các di tích Hổ Quyền, lăng Thiệu Trị, lăng Dục Đức, hồ Tịnh Tâm...



Di tích phủ thờ Tuy Lý Vương tại 142 đường Nguyễn Sinh Cung, phường Vỹ Dạ (TP Huế) cũng bị lấn chiếm. Năm 2004, ông Bửu Đa, người trông giữ phủ thờ đã cắt 40m2 đất di tích để cho con gái làm nhà kiên cố. Ngoài ra, trong bản vẽ khoanh vùng bảo vệ di tích, khách sạn Thanh Bình cũng đã xây dựng lấn hơn 30m2 đất của di tích này.

Khu lăng mộ của Tuy Lý Vương, tại 199 Bùi Thị Xuân, phường Phường Đúc (TP Huế) cũng bị chiếm suốt hơn 15 năm qua. Năm 2001, bà Nguyễn Thị Quế (một trong những hộ dân sống trong vùng đất lấn chiếm không có giấy tờ hợp pháp) đã ngang nhiên xây hai bức tường cao ngay trong khu di tích. UBND TP Huế đã ra quyết định xử phạt hành chính buộc tháo dỡ tường rào nhưng bà Quế vẫn không chấp hành. Ngay sau đó, UBND TP Huế lại tiếp tục ra quyết định cưỡng chế nhưng cũng không được thực hiện. Một thời gian sau, bà Quế lại thản nhiên xây thêm một căn nhà tiếp giáp bức tường đã xây.

UBND TP Huế trước đó đã nhiều lần xử lý và xác định nguồn gốc của các hộ lấn chiếm là bất hợp pháp. Thế nhưng trong khu lăng mộ của Tuy Lý Vương, đến nay đã có 3 giấy CNQSDĐ do chính UBND TP Huế cấp gồm các hộ: bà Nguyễn Thị Quế, ông Nguyễn Văn Khánh và bà Nguyễn Thị Bích (tách ra từ hộ ông Khánh). Sau khi có sổ đỏ, bà Quế liên doanh với Công ty TNHH-TMDV Thành Hưng làm trụ sở và bãi đỗ xe taxi ngay trong khu vực bảo vệ của di tích.

Việc lấn chiếm, xây dựng trái phép trong khu di tích đã đến mức báo động. Theo nhận định của Sở VHTT Thừa Thiên - Huế, tất cả những vi phạm trên lẽ ra đã không đến mức nghiêm trọng nếu chính quyền địa phương xử lý dứt điểm, mạnh tay ngay từ đầu.

B.N.L

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.