Điều tra, xử lý vi phạm trong hoạt động nhập khẩu phế liệu

Anh Vũ
Anh Vũ
30/07/2018 17:40 GMT+7

Chiều 30.7, tại buổi họp báo về công tác quản đối với phế liệu nhập khẩu , Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết đơn vị đang tổ chức điều tra, xử lý vi phạm trong hoạt động nhập khẩu phế liệu.

Cụ thể, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết, Cục này đang chủ trì triển khai kế hoạch “Điều tra, xác minh, xử lý vi phạm trong hoạt động nhập khẩu phế liệu”.

 

Theo đó, tổ chức điều tra, xác minh các trường hợp có dấu hiệu nghi vấn trong hoạt động nhập khẩu phế liệu từ tháng 1.2016 đến tháng 5.2018 và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật, tập trung vào đấu tranh làm rõ các hành vi vi phạm: làm giả giấy xác nhận khẩu phế liệu, sửa chữa thời gian thực hiện, khối lượng, chủng loại phế liệu được xác nhận nhập khẩu; làm giả, sửa chữa thông báo nhập khẩu phế liệu của các cơ quan có thẩm quyền…

 

Cũng tại cuộc họp báo, Tổng cục Hải Quan cho biết, sau khi Trung Quốc thực hiện chính sách cấm nhập khẩu 24 loại phế liệu, hoạt động nhập khẩu, mua bán phế liệu ở nước ta có chiều hướng gia tăng mạnh, diễn biến phức tạp, nguy cơ gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường sống, gây bức xúc trong dư luận. 

 

Theo Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), từ 21.7.2017 đến 22.11.2017, Công ty TNHH dịch vụ thương mại xuất nhập khẩu Đức Đạt đã sử dụng các giấy tờ, tài liệu giả để nhập khẩu qua  cảng Sài Gòn khu vực 1, khu vực 3 của TP.HCM và cảng Cái Mép, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tổng cộng có 635 tờ khai với tổng khối lượng hơn 13.000 kg, tổng trị giá theo khai báo hơn 35,5 tỉ đồng. 

 

Sau khi xác định vụ việc có dấu hiệu của tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, Cục Điều tra chống buôn lậu đã ra quyết định về việc khởi tố vụ án hình sự đối với công ty này và chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan công an tiếp tục điều tra làm rõ.

Qua theo dõi, số lượng phế liệu nhập khẩu năm 2017 tăng gấp hơn 2 lần trong năm 2016. Trong đó, khối lượng sắt, thép, nhựa, giấy và xỉ hạt nhỏ có khối lượng tăng từ 200% - 400% so với tổng khối lượng nhập khẩu năm 2016. Đáng lo ngại, trong 5 tháng đầu năm 2018, khối lượng nhựa phế liệu nhập khẩu tăng đột biến gần 200% so với cả năm 2017.

 

Trong khi đó, nhiều lô hàng phế liệu nhập khẩu không đáp ứng các điều kiện quy định về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Các doanh nghiệp không đến làm thủ tục hải quan hoặc không được cơ quan hải quan giải quyết thủ tục thông quan, dẫn đến tình trạng một lượng lớn các loại phế liệu nhập khẩu đang tồn đọng tại các cảng biển Việt Nam. 

 

Tổng cục Hải quan cũng cho biết, một số hãng tàu, đại lý hãng tàu, doanh nghiệp kinh doanh cảng đã ý thức được nguy cơ và rủi ro trong nhập khẩu phế liệu nên đã chủ động thông báo ngừng tiếp nhận phế liệu, góp phần giảm đáng kể mức độ hàng hóa tồn đọng tại cảng.

 

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, tại cảng Cát Lái - TP.HCM, tính đến ngày 25.7 đang tồn 3.579 container. Trong đó, từ 30 - 90 ngày là 594 container, quá 90 ngày là 2.423 container, số container còn lại là chưa quá 30 ngày.

 

Tại cảng Hải Phòng, tính đến ngày 5.7 còn tồn 1.485 container, trong đó có 1.342 container là phế liệu nhựa, tăng thêm 228 container so với 1 tháng trước đó; có 632 container tồn quá hạn từ 30 - 90 ngày, 853 container quá 90 ngày. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.