‘Đổ lỗi cho người dân mua nhiều ô tô, xe máy gây ùn tắc là sai’

17/10/2015 14:15 GMT+7

(TNO) Các chuyên gia cho rằng, nhu cầu sử dụng xe ô tô của người dân là tất yếu, và không thể đổ lỗi ùn tắc cho người dân do gia tăng phương tiện cá nhân.

(TNO) Các chuyên gia cho rằng, nhu cầu sử dụng xe ô tô của người dân là tất yếu, và không thể đổ lỗi ùn tắc cho người dân do gia tăng phương tiện cá nhân.

Việc đạt được thỏa thuận đàm phán TPP cũng như lộ trình giảm thuế nhập khẩu ô tô trong một loạt hiệp định thương mại khiến nhiều người dân đang kỳ vọng có thể mua được ô tô với giá rẻ hơn, không phải gánh quá nặng thuế suất nhập khẩu nguyên chiếc như hiện tại.
xe-o-toCơ quan quản lý phải giải bài toán ùn tắc thay vì đổ lỗi cho phương tiện cá nhân như ô tô tăng mạnh - Ảnh: Ngọc Thắng
Mới đây, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do, với lộ trình cam kết xóa bỏ hơn 99% dòng thuế nhập khẩu. Theo đó, thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ EU về Việt Nam sẽ giảm còn 0% sau 10 năm. Trước đó, tại Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc đã được ký kết tháng 6.2015, sau 10 năm tới, ô tô tải và xe con có dung tích xi lanh dưới 3.000 cm3 nhập khẩu từ Hàn Quốc về có thuế suất 0%.
Đặc biệt, từ năm 2018, Việt Nam sẽ mở cửa thị trường ô tô cho các nước từ ASEAN với thuế suất thuế nhập khẩu giảm về 0%.
Một chuyên gia trong ngành ô tô cho rằng, với lộ trình giảm thuế này, thì dù thuế tiêu thụ đặc biệt tăng mạnh, giá ô tô nhập khẩu cũng sẽ giảm đi so với hiện tại, và các dòng ô tô rẻ hơn từ các thị trường lân cận sẽ gia tăng đáng kể vào thị trường Việt Nam.
Tiến sĩ Phạm Sanh, chuyên gia về giao thông chia sẻ: “Nếu xe ô tô rẻ hơn, tôi cũng sẽ mua”. Theo ông Sanh, nhu cầu xe ô tô của người dân hiện nay rất lớn, nhìn sang các nước trong khu vực, lượng xe ô tô lớn hơn của Việt Nam rất nhiều lần. Nhìn về mặt hạn chế, việc thuế nhập khẩu giảm khiến ô tô nhập khẩu giá rẻ hơn từ các nước vào là nỗi lo cho các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, và một phần khác là gây sức ép lên hạ tầng giao thông tại các đô thị lớn vốn đang đau đầu với vấn nạn kẹt xe, tắc đường.
Sai lầm khi đổ lỗi cho người dân
“Suy nghĩ ô tô nhiều gây kẹt xe, tắc đường nên hạn chế người dân mua xe hay sử dụng xe là vẩn vơ. Phải nghĩ kinh tế đi lên, nhu cầu đi lại bằng xe ô tô của người dân là bình thường”, ông Sanh nhìn nhận và phân tích thêm: "Nhiệm vụ của Nhà nước, ngành giao thông là phát triển hạ tầng, giao thông công cộng, quy hoạch lại đô thị, không để các chung cư cao tầng mọc lên khắp nơi trong khu vực nội đô như hiện nay. Giao thông công cộng quá yếu, hạ tầng cho xe buýt và metro gắn kết cũng yếu. Không có phương tiện công cộng, người dân buộc phải sử dụng phương tiện cá nhân, trước đây là xe đạp, xe máy thì bây giờ là ô tô khi đời sống tăng lên".
Cũng theo chuyên gia này, việc chấp nhận ngành ô tô trong nước phá sản để làm lại từ đầu, đường sá chật hơn khi ô tô nhiều hơn cũng là một cách “chịu đau” để vươn lên bằng với các nước trong khu vực. Quan trọng hơn là tạo sức ép cho nhà quản lý thực hiện đúng chức năng của mình là phát triển hạ tầng và phương tiện công cộng, xây dựng các nút giao, cầu vượt 2 - 3 tầng, quản lý giao thông thông minh…
Cùng quan điểm trên, tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, kinh tế đất nước phát triển lên, nhiều người dân sẽ sử dụng ô tô, đó là quy luật tất yếu, các nước đã đi trước rồi, và Việt Nam cũng phải phát triển theo hướng đó. Đó cũng là mong muốn chung của nhiều người dân Việt Nam hiện nay.
“Thái Lan vài chục người có 1 người có ô tô, Việt Nam ta thì phải hàng nghìn người mới có 1 người có ô tô. Không thể vì ùn tắc giao thông mà không cho người dân tiếp cận với mua ô tô giá rẻ hơn được”, ông Thủy nói.
Chuyên gia này cũng thẳng thắn chỉ trích quan điểm của một số nhà quản lý, và cho rằng “đổ lỗi cho người dân mua quá nhiều xe máy, quá nhiều ô tô dẫn đến ùn tắc là sai”. Theo ông Thủy, phải phân định rõ trách nhiệm của người dân và nhà quản lý. Việc của nhà quản lý là đảm bảo hạ tầng tối thiểu, phương tiện công cộng cho người dân, chứ không thể đổ lỗi hoàn toàn cho người dân. Trong vài năm tới, ngành giao thông phải đầu tư và nâng cao hạ tầng như mở rộng đường, phát triển thêm phương tiện công cộng, thì mới tiến kịp với nhu cầu nâng cao đời sống của người dân và hội nhập thế giới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.