Đầu tư vào nông nghiệp đang là một xu hướng chủ đạo trong kinh doanh năm 2015.
Hệ thống vắt sữa tự động hiện đại tại Trang trại bò sữa Vinamilk Nghệ An - Ảnh: Quang Thuần
|
Tại diễn đàn “Phát triển doanh nghiệp (DN) trong nông nghiệp” do Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức hôm qua (15.4), nhiều chuyên gia kinh tế, đại diện hiệp hội, DN đã nêu quan điểm về hướng đầu tư vào ngành nông nghiệp thời gian tới.
Động lực cho sự thay đổi
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, đầu tư vào ngành nông nghiệp đang trở thành xu hướng chủ đạo của năm 2015 chứ không chỉ là “chuyện của các đại gia”. Tuy nhiên, ông Lộc cho rằng, vai trò của các DN lớn trong đầu tư vào lĩnh vực này như Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), TH True Milk... vẫn rất quan trọng để tạo nên sự chuyển biến mạnh về cơ cấu. “Sự thức tỉnh của nhiều DN lớn về đầu tư cho nông nghiệp là có cơ sở trên tiềm năng phát triển, khả năng đạt lợi nhuận cao trong lĩnh vực này. Chuyển hướng này sẽ là một đột phá cho phát triển kinh tế”, ông Lộc nhận định.
|
Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết, năm 2014, nguồn lực đầu tư xã hội vào lĩnh vực nông nghiệp “chưa được cải thiện nhiều”.
“Cả năm 2014, tổng đầu tư vào nông nghiệp là 61.000 tỉ đồng nhưng vốn nhà nước vẫn chiếm tới 43,4% (khoảng 26.500 tỉ đồng). Số DN trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm chưa đầy 1% tổng số DN cả nước và hầu hết là DN nhỏ, siêu nhỏ, điều này cho thấy đầu tư vào nông nghiệp hiện chưa được bao nhiêu”, ông Tuấn nói.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, từ cuối năm 2014 đến nay, đã có những chuyển biến khả quan khi một loạt tập đoàn tư nhân trong nước đã đầu tư vào nông nghiệp, nhiều tập đoàn nước ngoài cũng đang đầu tư, mở rộng tại VN như Nestlé, Metro. “Lĩnh vực nông nghiệp thực sự còn nhiều dư địa cho phát triển và thời điểm này, DN chứ không phải các hộ gia đình mới là động lực đầu tư cho lĩnh vực này để có những đột phá, đổi mới cơ cấu ngành. Chỉ có DN đầu tư mới gắn được công nghệ cao, quản trị tốt và đưa ngành nông nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Tuấn khẳng định.
TS Phạm Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Phát triển DN, nhận định: Bức tranh đầu tư vào nông nghiệp VN vẫn còn rất nghèo nàn. “Hiện mới có khoảng 3.500 DN kinh doanh trên các lĩnh vực nông, lâm, thủy sản nhưng cũng chủ yếu là DN cung cấp dịch vụ”, bà Hằng nói.
Dẫn kết quả Báo cáo thường niên DN năm 2014 được công bố cùng ngày, bà Hằng cho biết, các lĩnh vực kinh doanh trong ngành nông nghiệp, chế biến thủy hải sản hiện có những sự chia cắt. Ví dụ như lĩnh vực thủy sản, tuy là ngành có độ ổn định cao nhất về tốc độ phát triển cơ sở chế biến, nuôi trồng nhưng giữa nơi nuôi và nơi chế biến lại rời rạc, tiêu biểu như ở khu vực ĐBSCL. Hay ở lĩnh vực chăn nuôi, cũng có sự chia cắt khi ở các vùng miền núi, trung du phía bắc chăn nuôi nhiều nhưng lại ít cơ sở chế biến.
“Điểm bất ổn lớn nhất trong đầu tư vào nông nghiệp hiện nay là cơ sở sản xuất quy mô nhỏ lại còn có xu hướng giảm đi, phân tán, năng lực tài chính yếu, điều kiện vệ sinh kém, chất lượng đầu vào thấp. Rất ít cụm liên kết chế biến nông sản, ít kho đông lạnh đảm bảo chất lượng và tiêu chuẩn của sản phẩm. Trong khi đó, trách nhiệm quản lý giữa các bộ không rõ ràng làm cho quá trình lưu thông sản phẩm phức tạp và tốn kém”, bà Hằng dẫn báo cáo điều tra nhận định.
Phải rõ cây, con gì
Về giải pháp đầu tư vào nông nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc kể: “Vừa rồi, tôi nói chuyện với ông Đại sứ Nhật Bản ở VN, ông ấy nói có nhiều đoàn DN của VN sang Nhật kêu gọi đầu tư, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Nhưng khi lãnh đạo các tập đoàn, nhà đầu tư Nhật hỏi lại: Nhu cầu các ông cần gì, vào lĩnh vực nào, cây gì, con gì... thì các đoàn xúc tiến lại bế tắc”. “Cho nên, chúng ta nói đầu tư vào nông nghiệp cũng cần phải có định hướng sẽ phát triển cụ thể phân ngành nào, không thể nói chung chung được”, ông Lộc nói.
Bà Phạm Thu Hằng cho rằng, để thúc đẩy việc đầu tư của DN vào lĩnh vực nông nghiệp thời gian tới, rất cần thiết phải tăng cường các sản phẩm tín dụng, đầu tư cho các ngành hàng nông nghiệp phù hợp với các DN nhỏ và vừa (SME); tập trung giải pháp nâng cao năng suất lao động áp dụng kỹ thuật cao trong nông nghiệp; hoàn thiện chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư, tăng cường mối liên kết các DN nhỏ và vừa với các DN FDI. “Chúng tôi cũng đề xuất ngành nông nghiệp xúc tiến, đẩy nhanh hình thành cụm liên kết công nông nghiệp; tăng cường dịch vụ đào tạo, kiểm định để sản xuất sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm với điều kiện vệ sinh cao, đảm bảo tiêu chuẩn và khuyến khích ngành công nghiệp bao bì đóng gói…”, bà Hằng nói.
Đồng tình ý kiến này, ông Đoàn Xuân Trúc, Tổng thư ký Hội Chăn nuôi VN, cũng cho rằng, việc đầu tư trong ngành nông nghiệp thời gian tới cần phải thúc đẩy quá trình liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp, trong chăn nuôi mà nhà nước đóng vai trò quan trọng qua cơ chế, chính sách.
Mảng nông nghiệp của HAGL đạt lợi nhuận cao
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015 của Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) chiều 15.4 đã thông qua chỉ tiêu tài chính năm 2014 với doanh thu bán hàng và cung cấp tài chính đạt 3.054 tỉ đồng, doanh thu hoạt động tài chính đạt 1.478 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.773 tỉ đồng. Cổ tức năm 2014 được chi trả bằng cổ phiếu (CP) với tỷ lệ 10%. Mảng nông nghiệp đạt tỷ lệ lợi nhuận gộp/doanh thu thuần rất cao, chẳng hạn mía đường đạt 53%, bắp 63%, cao su đạt 47%...
HAGL xác định về bất động sản sẽ tập trung khai thác Tổ hợp văn phòng, trung tâm thương mại, khách sạn HAGL Myanmar Center tại Myanmar. Nông nghiệp trong đó trọng tâm là nuôi bò thịt, bò sữa là hoạt động chủ đạo, chiến lược của tập đoàn. Đến cuối năm 2015, HAGL sẽ nâng tổng đàn bò sữa lên số lượng 13.000 con và 100.000 con bò thịt. Xuất bán trong năm 60.000 con bò thịt. Hiện HAGL đang tiến hành đăng ký thương hiệu cho sản phẩm thịt bò và sữa. Kế hoạch năm 2015, doanh thu thuần của HAGL đạt 5.347 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 2.100 tỉ đồng, chia cổ tức từ 10 - 15%.
N.Sơn
|
Tại buổi công bố Báo cáo thường niên DN VN năm 2014 hôm qua (15.4), ông Lương Minh Huân, thành viên nhóm nghiên cứu (thuộc Viện Phát triển DN) cho biết, theo kết quả nghiên cứu: năm 2014, khối DN vẫn rất khó khăn với số lượng DN ngừng hoạt động trên 58.000 DN, số lượng DN giải thể trên 9.500 DN. Nhưng đáng chú ý, có tới 93,7% DN ngừng hoạt động là DN nhỏ có quy mô 10 tỉ đồng.
|
Bình luận (0)