Đây là giải thưởng thường niên do UBND TP.HCM ban hành được tổ chức từ năm 2008.
Theo thống kê, hiện thành phố có 5.630 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT). Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng số lượng doanh nghiệp ngành này hiện chiếm chưa đến 2,6% tổng số lượng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố là quá ít. Đặc biệt, số lượng lao động chưa đến 80.000 người, chỉ chiếm 1,8% trong tổng số 4,5 triệu lao động tại thành phố. Hơn nữa, dù tỷ lệ tăng trưởng của ngành này luôn ở mức cao với hai chữ số nhưng tỷ trọng đóng góp vào kinh tế thành phố còn rất nhỏ.
Vì vậy nhu cầu cấp bách để phát triển lĩnh vực CNTT-TT trở thành lực lượng chủ lực đóng góp cho kinh tế của thành phố trong thời gian tới là phải thúc đẩy về số lượng doanh nghiệp cũng như lực lượng lao động trong ngành này. Làm thế nào số lượng cả doanh nghiệp lẫn lực lượng lao động phải tăng lên hơn 5% trong tổng số lao động của TP.HCM. Do đó Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Ban tổ chức cần mở rộng thêm các lĩnh vực để khen thưởng trong năm tới. Từ đó góp phần phát triển hệ sinh thái hoạt động của lĩnh vực CNTT-TT hiệu quả hơn nữa. Để làm được việc đó, nếu chỉ dựa vào ngân sách của thành phố thì rất khó mà phải huy động nguồn vốn tư nhân, vốn doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trong khi đất đai có hạn thì lực lượng lao động là lợi thế quan trọng nhất của TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung. Vấn đề cần làm là phải đào tạo kỹ năng và phát huy khả năng sáng tạo của lực lượng lao động hiện có...
Nhân dịp 10 năm giải thưởng được tổ chức, TP.HCM cũng trao bằng khen cho nhiều cá nhân đã có những đóng góp lớn cho lĩnh vực CNTT-TT.
|
Giải thưởng CNTT-TT TP.HCM lần thứ 10 năm 2018 đã nhận 75 hồ sơ đăng ký tham dự ở 6 nhóm giải thưởng. Năm nay, chủ đề là “Vì thành phố thông minh đổi mới sáng tạo” nên Ban tổ chức có sự điều chỉnh phương án chấm điểm gồm tiêu chí liên quan đến giải pháp giải quyết các nhiệm vụ thuộc Đề án xây dựng TP.HCM trở thành thành phố thông minh, tầm nhìn đến năm 2025 hoặc các chương trình "Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp" của thành phố.
Nhiều đơn vị có sản phẩm áp dụng công nghệ blockchain, ứng dụng trên kiến trúc tổng thể về chính quyền điện tử, xây dựng môi trường tương tác thân thiện, gần gũi giữa người dân và chính quyền. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm phần cứng được áp dụng trong lĩnh vực dân dụng như khóa thông minh, thiết bị thu thập dữ liệu Internet of Things hoặc những ứng dụng CNTT gắn liền với chuyển đổi số và xây dựng mô hình doanh nghiệp thông minh…
Bình luận (0)