Doanh nghiệp cùng Chính phủ tìm kiếm giải pháp hỗ trợ người lao động

18/09/2020 16:00 GMT+7

Mặc dù Việt Nam đã rất thành công trong nỗ lực khống chế dịch Covid-19, tuy nhiên các hệ quả của đại dịch tác động lên nền kinh tế đang dần trở nên rõ rệt.

Theo kết quả khảo sát đối với 15 hiệp hội và 349 doanh nghiệp (gồm cả doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ), tác động của sự bùng phát dịch Covid-19 lần hai đối với doanh nghiệp đặc biệt lớn: 20% doanh nghiệp trả lời đã phải tạm dừng hoạt động; 76% doanh nghiệp cho biết hiện không cân đối được thu chi; 2% doanh nghiệp đã giải thể, chỉ có 2% doanh nghiệp tạm thời chưa bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Ảnh: Chu Ngọc Thắng

Ảnh: Chu Ngọc Thắng

Tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong 10 năm

Trong bối cảnh nền kinh tế ảm đạm, nhiều doanh nghiệp không thể cầm cự, buộc phải cắt nhân sự để giảm tải chi phí vận hành.
Số liệu từ Tổng cục thống kê cũng cho thấy lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý 2/2020 là 51,8 triệu người, giảm 2,4 triệu người so với I/2020 và giảm 2,6 triệu người so với cùng kỳ năm 2019, đây là mức giảm sâu kỷ lục trong 10 năm qua.
Ảnh: Chu Ngọc Thắng

Ảnh: Chu Ngọc Thắng

Nhằm đưa ra những hỗ trợ kịp thời cho người lao động, Chính phủ đã ban hành hàng loạt chính sách hỗ trợ như Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4.3.2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 hay Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9.4.2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Ảnh : Chu Ngọc Thắng

Ảnh : Chu Ngọc Thắng

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho biết, tính đến ngày 10.8, các địa phương đã phê duyệt danh sách cho gần 16 triệu người thuộc các nhóm đối tượng thụ hưởng với tổng kinh phí trên 17,5 nghìn tỉ đồng. 

Doanh nghiệp chủ động “chuyển mình” vượt khó

Nhiều doanh nghiệp đã áp dụng nhiều giải pháp, sáng kiến mới để thích nghi với các biến động của thị trường, đảm bảo hiệu quả kinh doanh đồng thời không gây xáo trộn cho cuộc sống người lao động.
Trao đổi với phóng viên, đại diện Tổng Giám đốc công ty Bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (SABECO) cho biết công ty xác định con người chính là yếu tố quyết định cho sự hồi phục của doanh nghiệp. “Ngay từ những ngày đầu dịch bệnh bùng phát, chúng tôi đã tập trung xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp để đảm bảo an toàn và lợi ích cho người lao động”.
Có thể nói ngành bia là một trong những ngành chịu tác động mạnh nhất do tác động kép của đại dịch và Nghị định 100, lợi nhuận hàng loạt doanh nghiệp bia từ quy mô lớn đến nhỏ đều giảm mạnh, thậm chí lỗ ngay quý đầu năm 2020.
Tuy nhiên, thay vì cắt giảm nhân sự như một vài doanh nghiệp khác, SABECO áp dụng các hình thức kinh doanh phù hợp với xu hướng tiêu dùng trong giai đoạn “bình thường mới” như giao hàng tại nhà, đầu tư vào kênh offtrade, mở gian hàng trên các trang thương mại điện tử. Quản lý hiệu quả chi phí, không cắt giảm các khoản chi tiêu thiết yếu, cắt giảm hoặc hoãn các hoạt động chưa thật sự cần để có thể đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh bảo toàn nhân lực, tránh khỏi vòng xoáy “sa thải” trong giai đoạn đầy thử thách này.
Nhờ cân đối chi tiêu hợp lý, đồng thời tích cực đẩy mạnh kênh bán hàng và phân phối, mức tiêu thụ bia của doanh nghiệp này trong tháng cuối cùng của quý 2 gần như đã phục hồi về trước khi có dịch. Cụ thể, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng từ 4.938 tỉ đồng lên 7.184 tỉ đồng, tương đương tăng 68% so với quý đầu năm.
Biên lợi nhuận gộp cũng được cải thiện đáng kể, từ 27,5% lên xấp xỉ 31%, nhờ tập trung vào việc phát triển các kênh giao hàng tận nhà để thích ứng với điều kiện của đại dịch Covid-19, nhằm hỗ trợ người dân mua hàng an toàn đến việc kiểm soát tối đa những chi phí không cần thiết.

Cần sự phối hợp

Với tình hình khó đoán của dịch Covid-19, gây đứt mạch chuỗi cung ứng toàn thế giới và giảm tổng cầu, Cục Việc làm của Bộ Lao động Thương binh Xã hội đã tính đến kịch bản xấu nhất là thời gian tới, số lao động mất việc làm có thể tăng khoảng 60.000 đến 70.000 mỗi tháng.
Thời điểm này thực sự là lúc cần sự phối hợp và đóng góp của mọi thành phần trong xã hội, bao gồm của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, và người dân. Ngày 9.9 vừa qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng LĐLĐVN) đã phối hợp cùng SABECO phát động chương trình Chạy Tiếp sức “Lên cùng Việt Nam”, với mục tiêu gây quỹ hỗ trợ đoàn viên, người lao động Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Được biết, toàn bộ số tiền thu được từ Chương trình này sẽ được trao hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 vào dịp Tết Nguyên Đán Tân Sửu 2021 thông qua Tổng LĐLĐVN - cũng là đơn vị bảo trợ cho quỹ.
Ảnh: Sabeco cung cấp

Ảnh: Sabeco cung cấp

Trao đổi về mục đích, ý nghĩa của Chương trình, đại diện Tổng LĐLĐVN cho biết, “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hoan nghênh tinh thần của Tổng công ty SABECO, thông qua Chương trình ý nghĩa “Lên cùng Việt Nam”, chia sẻ, hỗ trợ thiết thực cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.