Doanh nghiệp Fintech: Chờ Sandbox như nắng hạn chờ mưa rào

25/12/2019 08:30 GMT+7

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, chỉ trong vòng 3 năm, số lượng doanh nghiệp Fintech (công nghệ tài chính) đã tăng lên hơn 150, gấp gần 4 lần con số 40 trước đó.

Song hiện nay, nhiều doanh nghiệp Fintech vẫn đang chờ đợi Chính phủ sớm ban hành khung pháp lý cho sandbox để có thể mạnh dạn thử nghiệm các mô hình kinh doanh, giải pháp công nghệ mới.

Sandbox: công cụ để sáng tạo

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với quốc gia, tổ chức và cá nhân; trong đó một trong những lĩnh vực ảnh hưởng nhiều nhất chính là Fintech. Thực tế, Fintech một lĩnh vực rất rộng, không chỉ bao gồm thanh toán, cho vay, chuyển tiền mà còn nhiều lĩnh vực khác như cho vay ngang hàng, blockchain...
Việc ban hành Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị mới đây về chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0 là sự kiện lớn đối với Fintech. Trong phần tham luận tại tọa đàm “Thúc đẩy triển khai cơ chế Sandbox trong kinh tế chia sẻ tại Việt Nam” được tổ chức tại Hà Nội ngày 7.11 vừa qua, ông Đào Đình Khả, Vụ Công nghệ thông tin (Bộ Thông tin - Truyền thông), nhấn mạnh: “Sandbox chính là công cụ để sáng tạo”. “Sandbox cho phép chúng ta thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ mới, sáng tạo khi chưa có các quy định chính thức được ban hành, và chưa rõ quy định cụ thể nào sẽ áp dụng. Việc thử nghiệm giúp tìm hiểu cần xây dựng quy định gì và áp dụng đối với đối tượng nào để phù hợp với thực tiễn phát triển và hỗ trợ cho sự sáng tạo, đổi mới. Điều này giúp các tổ chức, doanh nghiệp nâng cao hiệu quả, cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh của mình”, ông nói thêm.

Fintech chờ “cơn mưa” Sandbox

Ông Phạm Xuân Hòe, Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) ước tính, doanh thu từ các Fintech đến năm 2020 sẽ đạt khoảng 9 tỉ USD. Giao dịch tài chính qua điện thoại di động ở Việt Nam đang bùng nổ, trở thành miếng bánh ngon cho các Fintech, từ thanh toán, cho vay, chuyển tiền đến thu hộ, chi hộ…
Số liệu từ NHNN cung cấp cho biết, tính tới tháng 6.2019, số lượng giao dịch tài chính thông qua kênh Internet hơn 9,5 triệu tỉ đồng với hơn 204 triệu lượt giao dịch, tăng tương ứng 18,5 và 60,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Con số này qua kênh điện thoại di động là 1,76 triệu tỉ đồng với gần 170 triệu lượt giao dịch, tăng lần lượt 110% và 109,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trị giao dịch qua kênh điện thoại di động cho thấy tăng nhanh tuy nhiên tỷ trọng còn khá nhỏ - chỉ bằng khoảng 20% giao dịch qua kênh Internet.
Việt Nam đang trở thành thị trường lý tưởng cho các fintech. Ước tính, doanh thu từ các fintech đến năm 2020 sẽ đạt khoảng 9 tỉ USD

Việt Nam đang trở thành thị trường lý tưởng cho các fintech. Ước tính, doanh thu từ các fintech đến năm 2020 sẽ đạt khoảng 9 tỉ USD

Mặc dù vậy, sự phát triển của Fintech ở Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng. Các Fintech vẫn còn dè dặt khi tung ra sản phẩm, dịch vụ. Ông Dương Dũng Triều, Chủ tịch Hội đồng Thành viên FPT Information System cho rằng, khó khăn đối với phát triển Fintech ở Việt Nam không phải là công nghệ. “Khó khăn do cơ chế chưa cho phép”, ông nói.
Theo các chuyên gia ngân hàng Việt Nam, chìa khóa đầu tiên để ngân hàng, Fintech cung cấp dịch vụ số là phải cho phép khách hàng định danh điện tử (eKYC), tức có thể thực hiện định danh khách hàng bằng phương thức điện tử không cần gặp mặt trực tiếp nhờ sự hỗ trợ của các công nghệ tiên tiến. Nếu có cơ chế sandbox cho phép những phương thức mới như e-KYC, cho phép nạp tiền vào ví không thông qua tài khoản ngân hàng (với giao dịch nhỏ) … thì chắc chắn, thanh toán điện tử sẽ còn tăng trưởng với cấp số nhân.
Hiện nay, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước về Fintech khá cởi mở. Điển hình là Quyết định số 999/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ của Thủ tướng Chính phủ vào giữa tháng 8 vừa qua được xem là cơn mưa đầu mùa giải nhiệt cho ngành Fintech. Năm 2019, Ngân hàng Nhà nước cũng là đơn vị đầu tiên trình Chính phủ Sandbox về cơ chế quản lý hoạt động Fintech. Ngoài ban hành Sandbox, Ngân hàng Nhà nước cũng đang tích cực tháo gỡ một số vướng mắc cho các Fintech.
Ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), cho biết: “Đối với Sandbox, chúng tôi đặt ra yêu cầu, phạm vi, đáp ứng tiêu chí nhất định, cơ quan quản lý sẽ giám sát chặt chẽ hồ sơ của doanh nghiệp xin tham gia để kiểm soát rủi ro, tránh tác động cho người sử dụng cuối cùng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.