Doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc ký kết xuất khẩu thanh long

23/11/2016 19:53 GMT+7

Ngày 23.11, tại TP.Phan Thiết (Bình Thuận), Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Bình Thuận đồng tổ chức hội nghị xúc tiến về xuất khẩu thanh long với sự có mặt của nhiều doanh nghiệp đến từ Trung Quốc.

Hội nghị có sự tham dự của đại diện Sở Công thương các tỉnh, thành như Lào Cai, Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng, Quảng Ninh, Điện Biên, Lai Châu (các tỉnh có cửa khẩu với Trung Quốc) và Hà Nội, Hải Phòng, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Lâm Đồng, TP.HCM, Cần Thơ, Long An, Vĩnh Long, Bình Phước, Tiền Giang và Bình Thuận; hơn 100 doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu thanh long...
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết diện tích thanh long của cả nước đã lên đến hơn 37.000 ha, với sản lượng trên 650.000 tấn. Riêng Bình Thuận chiếm 72% diện tích và 79% sản lượng cả nước. Vì vậy hội nghị cần bàn sâu vấn đề thị trường, chất lượng hàng hóa và đi đến sự kết nối giữa các vùng sản xuất với doanh nghiệp. Nhằm làm cho sản phẩm thanh long của Việt Nam đến với các thị trường tiềm năng nhiều hơn nữa.
Theo ông Đỗ Minh Kính, Giám đốc Sở Công thương Bình Thuận, hiện nay diện tích trồng thanh long ở Bình Thuận khoảng 27.000 ha, trong đó đang cho trái khoảng 22.000 ha. Trái thanh long Bình Thuận đã xuất hiện ở hầu hết các siêu thị nội địa. Năm 2015 xuất khẩu được 12.659 tấn vào 14 thị trường bằng đường chính ngạch, đạt giá trị 8,02 triệu USD. Trong đó, châu Á vẫn là thị trường chính. Trong 7 tháng đầu năm nay, xuất chính ngạch được 4.043 tấn, đạt kim ngạch 3,4 triệu USD. Tuy nhiên, 80% thanh long của Bình Thuận và cả nước vẫn chủ yếu xuất sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch thông qua chính sách mậu biên.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết hiện nay bộ này đang triển khai nhiều chương trình nhằm nâng cao chất lượng trái thanh long, cũng như nghiên cứu lai tạo và sản xuất ra các giống thanh long mới kháng bệnh, có giá trị cao về dinh dưỡng. Sắp tới Bộ NN&PTNT sẽ cấp mã vùng cho thanh long để khi truy nguồn xuất xứ sẽ biết được nguồn gốc thanh long sản xuất từ vùng nào.
“Phải xây dựng thương hiệu cho trái thanh long Việt Nam cùng với lộ trình xây dựng thương hiệu trái cây Việt Nam từ nay đến năm 2020 phải làm xong. Đây là vấn đề mà chúng ta rất yếu”, ông Nam nói.
Phát biểu tại hội nghị, ông Cố Chương Vỹ, Phó giám đốc Sở Thương mại tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) cam kết sẽ tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp hai nước tiêu thụ thanh long tại tỉnh Quảng Tây.
Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cũng kêu gọi các doanh nghiệp hướng đến việc sản xuất thanh long sạch vì “sản phẩm sạch mới là sản phẩm tốt và có uy tín trên nhiều thị trường khác nhau”.
Kết thúc hội nghị, Sở Công thương các tỉnh có mặt đã ký kết giao ước cùng thúc đẩy việc tiêu thụ, xuất khẩu trái thanh long.
Một doanh nghiệp của Bình Thuận và một một doanh Trung Quốc cũng đã trực tiếp ký cam kết tiêu thụ thanh long tại tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.