Triển lãm công nghiệp hỗ trợ, chế biến chế tạo: Tăng kết nối các doanh nghiệp

15/09/2020 16:30 GMT+7

Với mục tiêu 'Kết nối để phát triển', VIMEXPO 2020 sẽ là 'điểm gặp gỡ lý tưởng' giữa các doanh nghiệp để hiện thực hóa nhiều chính sách mới từ Nghị quyết 115 của Chính phủ nhằm tạo cú hích lớn cho ngành công nghiệp hỗ trợ.

Triển lãm quốc tế về Công nghiệp hỗ trợ và Chế biến chế tạo Việt Nam - VIMEXPO 2020 do Bộ Công thương chỉ đạo, Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) chủ trì, Công ty Quảng cáo và Hội chợ Triển lãm C.I.S Vietnam tổ chức sẽ diễn ra từ ngày 9 đến 11.12.2020 tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế ICE Hà Nội.
Triển lãm sẽ mở 250 gian hàng của 150 đơn vị trên diện tích trưng bày 5.000 m2 giới thiệu sản phẩm của 6 nhóm công nghiệp hỗ trợ mục tiêu. Bao gồm Dệt - May, Da - Giày, Điện tử, Sản xuất lắp ráp ô tô, Cơ khí chế tạo, Công nghiệp công nghệ cao.
VIMEXPO 2020 là Triển lãm quốc tế đầu tiên về Công nghiệp hỗ trợ và Chế biến chế tạo tại Việt Nam thuộc Chương trình phát triển Công nghiệp hỗ trợ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đây không chỉ là sự kiện chuyên nghiệp, đẳng cấp mà còn là sân chơi lớn hội tụ tất cả những tinh hoa của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Doanh nghiệp tham gia mua hàng công nghiệp có thể tìm kiếm những sản phẩm đa dạng, chất lượng tốt nhất.
Triển lãm VIMEXPO cũng là nơi giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm của rất nhiều chuyên gia, nhà quản lý và doanh nhân thành đạt hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Vì vậy, triển lãm sẽ là điểm đến mang lại nhiều giá trị cho doanh nghiệp tìm kiếm đối tác và cơ hội mới, nhà cung cấp mới, cập nhật công nghệ mới, kiến thức mới…
Bộ Công thương cho hay, triển lãm VIMEXPO được tổ chức để hiện thực hóa các chương trình mà Nghị quyết 115/NQ-CP về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ được Chính phủ ban hành vào tháng 8 vừa qua.
Đây là những chính sách quan trọng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phấn đấu, phát triển đóng góp cho nền kinh tế đất nước. Các hoạt động triển lãm được xem là kênh để hỗ trợ giúp các doanh nghiệp trong ngành tăng cường kết nối với các nhà cung cấp, nâng cao kinh nghiệm.
Việc nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ để thực hiện mục tiêu mà Nghị quyết đề ra là đến năm 2025, doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có tính cạnh tranh cao.
Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa, chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp; năm 2030 đáp ứng 70% nhu cầu nội địa, chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp.
Đây cũng được xem là sự kiện có ý nghĩa lớn với các doanh nghiệp sản xuất, bởi trong bối cảnh đại dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua đã ảnh hưởng rất lớn đến chuỗi giá trị ngành sản xuất toàn cầu, gây đứt gãy chuỗi cung ứng, tác động tiêu cực đến kinh tế, xã hội toàn cầu.
Thực tế, trong 8 tháng đầu năm qua mặc dù sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành chỉ tăng 2,2% so với cùng kỳ năm - mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, ngành chế biến chế tạo vẫn duy trì mức tăng 3,7%, góp 3 điểm phần trăm vào mức tăng chung, cho thấy vai trò rất lớn của ngành này.
Mặc dù vậy, những tác động của dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp làm chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào bị gián đoạn, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp. Nhiều ngành sản xuất công nghiệp chỉ lực như dệt may, da giày, điện tử, điện thoại, xe có động cơ… bị tác động do đơn hàng suy giảm đầu ra khó khăn.
Do đó, việc đưa ra cơ chế chính sách kịp thời nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong giai đoạn này là một trong những giải pháp cấp thiết, không những giúp phát triển sản xuất và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, mà còn tác động đến toàn ngành công nghiệp nói riêng và sự phát triển bền vững kinh tế Việt Nam nói chung trong dài hạn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.