Độc đáo bưởi thanh kiều miền Tây

08/12/2018 07:43 GMT+7

Ở tuổi 86, lão nông Trần Văn Trừ (TP.Cần Thơ) vẫn luôn được nhiều nhà vườn ngưỡng mộ bởi là một trong những người trồng bưởi thanh kiều thành công nhất, doanh thu mỗi năm trên 200 triệu đồng.

Cụ Trừ (ngụ ấp Thới Hòa A, P.Thới An, Q.Ô Môn) cho biết từ lâu miền Tây nổi tiếng với bưởi năm roi, bưởi da xanh và gần đây có thêm giống bưởi thanh kiều ruột hồng. Giống bưởi này tuy có mặt từ lâu đời ở vùng đất Thới An, nhưng chỉ mới được nhân rộng diện tích trong vòng 10 năm trở lại đây. Riêng gia đình cụ Trừ có 5 công vườn trồng toàn bưởi thanh kiều. Tuổi của cây từ 5 - 7 năm, tất cả đều đang cho trái. Hiện cụ đang lên giồng trồng thêm 2 công.
Theo cụ Trừ, ưu điểm của giống bưởi thanh kiều là cây phát triển mạnh, lá quanh năm xanh mướt, ít bị dịch bệnh. Cây cho trái to, trọng lượng 2 - 3 kg/trái, trái to nhất có thể trên 4 kg (gấp 2 - 3 lần so với bưởi năm roi). Hình dáng trái bưởi thanh kiều no tròn hoặc chỏm, ruột hồng, mùi vị hơi the lúc mới già và ngọt thanh khi chín vàng.
Bưởi thanh kiều cho trái quanh năm nếu được tưới nước đầy đủ trong mùa khô hạn. Bưởi trồng bằng cây chiết, sau 3 năm bắt đầu cho trái. Thường cây trưởng thành vào năm thứ 5, năng suất trái đạt bình quân 150 - 200 kg/cây/năm. Về giá cả, bưởi thanh kiều tương đương với các loại bưởi ngon khác, hiện bán lẻ từ 30.000 - 35.000 đồng/kg. Nếu tính về trọng lượng thì hơn hẳn các loại bưởi khác. Cụ Trừ cho biết tết năm vừa rồi cụ thu hoạch trên 6 tấn trái, thu nhập hơn 200 triệu đồng. “Cây bưởi thanh kiều phát triển mạnh, trái sai, nhưng muốn năng suất cao, người trồng phải chú ý đến khâu xử lý phân thuốc và đề phòng sâu bệnh bằng cách thường xuyên cắt tỉa cành, tỉa bớt trái hư, trái không đạt tiêu chuẩn để nâng cao chất lượng sản phẩm và giúp cây phát triển bền vững”, cụ Trừ chia sẻ.
Độc đáo bưởi thanh kiều miền Tây
Bưởi thanh kiều trái to, tròn và đẹp

Hướng tới vùng chuyên canh
Hiện nay nhiều nhà vườn ở các phường Thới An, Thới Long, Trường Lạc, Phước Thới… thuộc Q.Ô Môn đã ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là áp dụng các hệ thống tưới nước, phun thuốc tự động cho vườn cây để tiết kiệm thời gian và công chăm sóc. Bên cạnh đó, nhiều nông dân cũng bắt đầu dùng phân hữu cơ thay dần cho phân vô cơ trong trồng cây trái.
Ông Lê Văn Loan (ngụ P.Thới An) có 8 công đất trồng bưởi thanh kiều và cam xoàn, mỗi năm thu nhập trên 200 triệu đồng. Ông cho biết hiện có nhiều nông dân ở đây chuyển đổi vườn tạp sang trồng bưởi thanh kiều. Về chất lượng tuy không bằng bưởi năm roi nhưng bù lại trái to, đẹp, ruột hồng, mùi vị đặc trưng, được nhiều người chọn chưng tết nên không sợ mất giá.
Nông dân trồng bưởi ở Thới An đều tâm đắc với loại bưởi này vì phù hợp với hệ sinh thái địa phương, dễ chăm sóc và năng suất cao. Thời gian thu hoạch khá lâu, giá cả luôn ổn định, thị phần tiêu thụ mạnh nhất là Kiên Giang, TP.HCM. Nhà vườn mong muốn Thới An sẽ hình thành một vùng chuyên canh sản xuất bưởi thanh kiều theo tiêu chuẩn an toàn, tiến tới có địa chỉ, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để khẳng định được thương hiệu và tìm chỗ đứng trong các siêu thị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.