Đổi đời từ nông thôn mới

30/04/2017 10:08 GMT+7

Bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của các đô thị, 42 năm sau ngày thống nhất đất nước và đặc biệt sau 6 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới , nhiều vùng quê Nam bộ, trong đó có các huyện ngoại thành TP.HCM, đã có những bước phát triển mạnh mẽ để trở nên văn minh, hiện đại hơn.

Sau 6 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay bộ mặt nông thôn ở TP.HCM đã thay đổi tích cực, cơ sở hạ tầng phát triển đáp ứng nhu cầu sản xuất và dân sinh. Việc mạnh dạn thay đổi cơ cấu sản xuất đã đưa thu nhập tăng cao, bền vững, mức thu nhập bình quân người dân vùng nông thôn ngày càng cao. Thống kê, năm 2010 mức thu nhập của người dân nông thôn 22 triệu đồng/năm, đến cuối năm 2015 tăng lên 41 triệu đồng/năm, rút ngắn khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn. Tính đến hết năm 2016, tại TP.HCM, Thủ tướng đã trao quyết định công nhận 3 huyện đạt chuẩn NTM là Củ Chi, Nhà Bè và Hóc Môn.
Trước kia tôi ở quê làm nông vất vả nhưng chẳng lời lãi bao nhiêu, bây giờ trừ hết chi phí thì mỗi tháng công ty gia đình tôi cũng còn lợi nhuận hơn 100 triệu đồng
Lê Thị Hường (Công ty TNHH Kim Xuân Quang)

Những nông dân tỉ phú
Sự mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất nông nghiệp truyền thống sang hướng nông nghiệp đô thị, đem lại hiệu quả cao hơn là một trong những “điểm sáng” ở nông thôn TP.HCM. Từ đó, hình thành những vùng chuyên canh sản xuất giống cây trồng, vật nuôi có hiệu quả. Đáng chú ý là mô hình trồng hoa lan, cây cảnh, nuôi cá cảnh… đã đem lại thu nhập hàng trăm triệu đến hàng tỉ đồng mỗi năm cho các hộ dân.
Điển hình như gia đình bà Lê Thị Hường, chủ Công ty TNHH Kim Xuân Quang (KCN công nghệ cao TP.HCM, H.Củ Chi). Với diện tích 1.900 m2 đất, công ty của gia đình bà trồng dưa lưới và dưa hoàng kim theo kỹ thuật cao, sản phẩm được các siêu thị đặt hàng với giá cả và sản lượng luôn ổn định, đem lại thu nhập ổn định. Bà Hường cho biết mỗi tháng công ty sản xuất hơn 7 tấn dưa, 10 tấn bầu bí. “Trước kia tôi ở quê làm nông vất vả nhưng chẳng lời lãi bao nhiêu, bây giờ trừ hết chi phí thì mỗi tháng công ty gia đình tôi cũng còn lợi nhuận hơn 100 triệu đồng”, bà Hường phấn khởi.
Một tấm gương làm giàu khác là anh Bùi Văn Cường (ấp Cây Trôm, xã Phước Hiệp, H.Củ Chi). Nhận thấy việc trồng lúa nước ở TP.HCM với diện tích đất manh mún, cày cấy cơ cực nhưng thu nhập thấp, năm 2014, anh mạnh dạn vay gần 5 tỉ đồng đầu tư 2,5 ha trồng hoa lan mokara với công nghệ tưới tiêu hiện đại để bán cành. Ngoài ra, anh còn sản xuất và bán thêm cây lan giống. Đến nay, bình quân mỗi tháng anh thu về đến trên dưới 500 triệu đồng, trừ các chi phí, tiền lãi còn hơn 300 triệu đồng. “Nếu trước kia 1 ha lúa chỉ đem lại lợi nhuận 30 triệu đồng/năm thì nay với hoa lan tôi kiếm được khoảng 1,5 tỉ đồng mỗi năm, hơn 50 lần so với trồng lúa”, anh Cường chia sẻ.
Trồng dưa lưới kỹ thuật cao ở H.Củ Chi Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Bộ mặt nông thôn thay đổi
Một trong những điểm nhấn khác là Chương trình xây dựng NTM làm cho bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt những năm qua. Trước đây, hầu hết người dân chỉ sử dụng nước giếng khoan nhiễm phèn thì nay 100% hộ dân đã được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn quốc gia. Ông Nguyễn Văn Vạn (ngụ ấp 3A, xã Tân Thạnh Tây, H.Củ Chi) phấn khởi: "Mấy chục năm nay đâu có biết nước sạch là gì, nay nhà nước đưa nước sạch về từng nhà nên mọi người ai cũng vui".
Tại H.Nhà Bè, sau 6 năm thực hiện xây dựng NTM với tổng kinh phí trên 2.312 tỉ đồng, thu nhập các hộ dân đã tăng trên 40 triệu đồng/người/năm; việc triển khai nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, nuôi trồng thủy sản theo kỹ thuật mới đã làm tăng giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt hơn 465 triệu đồng/ha/năm (tăng hơn 2,2 lần so với cuối năm 2010). Nhiều tuyến đường giao thông trước đây thường xuyên bị lầy lội, ngập nước vào mùa mưa; trường học, y tế, cơ sở vật chất văn hóa... chưa đáp ứng nhu cầu cho người dân thì nay đã được xây dựng mới.
Nhìn nhận về NTM, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm nói: "Trong những năm qua, TP đầu tư hàng ngàn tỉ đồng nâng cấp cơ sở hạ tầng, chăm lo giáo dục, y tế, đời sống dân sinh ở 5 huyện ngoại thành: Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ. Đây là kết quả nỗ lực chung của chính quyền và người dân TP".
Theo ông Liêm, Chương trình xây dựng NTM đến nay đã đem lại nhiều kết quả, bộ mặt nông thôn đã thay đổi, nhiều địa phương đã "lột xác" và khoác lên mình một diện mạo mới, văn minh, hiện đại hơn. Tuy nhiên, để duy trì và tiếp tục phát triển không phải là điều đơn giản. Sau giai đoạn 2010 - 2015, UBND TP đã yêu cầu các sở, ngành và UBND các huyện tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiệm vụ kế hoạch xây dựng NTM, trong đó đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và nâng cao hiệu quả kinh tế hợp tác trong nông nghiệp, phát triển các mô hình sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực của từng huyện, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Dân hiến đất cả ngàn tỉ đồng để làm đường
Theo Sở NN-PTNT TP.HCM, trong xây dựng NTM ở 3 huyện nói trên, đến nay đã có 19.650 hộ dân hiến đất xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với hơn 2 triệu m2 đất, trị giá trên 1.400 tỉ đồng. Bên cạnh đó, TP còn đầu tư nâng cấp 1.172 km đường giao thông nông thôn, trên 320 km kênh mương được xây mới hoặc nạo vét, xây mới 263 trường học với trên 5.500 phòng học, xây dựng 2.797 nhà ở, xóa nhà dột nát, thực hiện các chính sách an sinh xã hội... với kinh phí hơn 100 tỉ đồng từ đóng góp của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.