Đông Nam Á dùng trí tuệ nhân tạo, vệ tinh giải quyết ùn tắc giao thông

01/06/2018 16:32 GMT+7

Các nền kinh tế đang nổi lên ở châu Á đang xoay sang "internet vạn vật", trí tuệ nhân tạo (AI) và vệ tinh nhằm giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố.

Theo báo Nikkei Asian Review, những công nghệ này đang được vận dụng giữa lúc có những lo ngại rằng ùn tắc giao thông có thể nổi lên như một tác nhân trì kéo tăng trưởng kinh tế, khi số lượng ô tô tăng nhanh hơn tốc độ xây thêm và mở rộng đường sá.
Theo ước tính của hãng Nissan Motor và Viện nghiên cứu Mizuho (Nhật), tổng thiệt hại kinh tế do ùn tắc giao thông gây ra ở Đông Nam Á và một số khu vực khác sẽ đạt gần 36 tỉ USD vào năm 2030.
Tại thủ đô Bangkok của Thái Lan, hãng thương mại Toyota Tsusho, Đại học Chulalongkorn và các đối tác khác hồi tháng 3 đã khởi động một cuộc trình diễn một hệ thống dẫn đường có độ chính xác cao.
Hệ thống sử dụng hệ thống vệ tinh Quasi-Zenith của Nhật, còn gọi là Michibiki, vốn được xem là câu trả lời của Nhật với hệ thống GPS của Mỹ. Các vệ tinh Michibiki bay trên khu vực giữa Nhật và Úc như thể đi theo mô hình số 8. Hệ thống này được kỳ vọng sẽ giúp đẩy mạnh các dịch vụ dẫn đường ở các quốc gia Đông Nam Á. Hoạt động đầy đủ có thể bắt đầu vào tháng 11.
Thông tin địa điểm trong cuộc trình diễn ở Bangkok có xác suất sai sót khoảng 10 cm, cho phép xác định ùn tắc ở mỗi làn đường.
Trong cuộc biểu diễn, thông tin về các địa điểm của khoảng 150.000 taxi, xe tải và các phương tiện khác có trang bị GPS được phân tích bởi AI. Các làn đường bị ùn tắc hiển thị với màu đỏ trên màn hình, còn các làn đường không bị ùn tắc xuất hiện với màu xanh lục. Các phương tiện sau đó được chỉ hướng đến các làn đường màu xanh.
Toyota Tsusho nói rằng họ sẽ cố gắng thương mại hóa hệ thống trên trong vòng 2 năm.
Tại Singapore, quốc gia - thành phố này đang sử dụng Hệ thống định giá đường điện tử (ERP) trong nhiều thập niên qua. Tất cả xe hơi buộc phải có một bộ phận giao tiếp với các thiết bị cảm biến được đặt trên những giàn tín hiệu dọc theo các con đường. Hệ thống này cho phép hệ thống thu phí từ các tài xế. Các khoản phí cao hơn trên những con đường đông đúc hơn và vẫn cao hơn trong giờ cao điểm; chúng đóng vai trò như những tác nhân ngăn chặn.
Nhưng Singapore đang lên kế hoạch thay thế ERP bằng một hệ thống sử dụng hệ thống vệ tinh dẫn đường toàn cầu (GNSS). Sự thay đổi này có thể diễn ra vào năm 2020, và hệ thống mới sẽ không phụ thuộc vào các giàn tín hiệu hay những thiết bị cảm biến.
Singapore có rất ít mặt bằng để xây thêm hoặc mở rộng đường. Cách duy nhất mà nước này có thể làm nhằm giảm ùn tắc giao thông là công nghệ.
Tại Indonesia, Mitsubishi Fuso Truck & Bus, công ty Nhật thuộc tập đoàn ô tô Daimler (Đức), đã trang bị cho xe tải cỡ vừa Fighter của họ, vốn sẽ được ra mắt trong năm nay, một hệ thống dẫn đường có độ chính xác cao.
Hệ thống này lưu lại các tuyến đường được các xe tải đã đi trước đó, xác định các tuyến tối ưu và hướng dẫn các bác tài đi theo các tuyến đó. Điều này giúp các xe tải sử dụng nhiên liệu hiệu quả hơn.
Tại Malaysia, một tổ chức thuộc chính phủ phối hợp với tập đoàn thương mại điện tử Alibaba của Trung Quốc, hồi tháng 1 đã công bố các kế hoạch kết nối những tín hiệu giao thông tại khu vực trung tâm thủ đô Kuala Lumpur với đám mây.
Tình hình giao thông sẽ được phân tích dựa trên dữ liệu từ 281 tín hiệu giao thông và 382 camera; tình trạng ùn tắc sẽ được giảm nhẹ nhờ hệ thống chuyển tín hiệu giao thông vào những thời điểm tối ưu nhất.
Các nền kinh tế đang nổi lên của châu Á “đang cân nhắc vận dụng các công nghệ tinh vi để giải quyết ùn tắc giao thông với ý thức tốc độ vượt xa các nước phát triển”, Giáo sư Fumihiko Nakamura thuộc Đại học Quốc gia Yokohama (Nhật) nhận định. Ông này bám sát tình hình giao thông ở các thành phố ở những nền kinh tế đang nổi lên.
Doanh số bán xe mới ở 6 nước Đông Nam Á đã tăng 5% trong năm 2017, cũng là lần tăng thường niên thứ hai liên tiếp. Nhưng việc phát triển đường sá lại không theo kịp.
Các nền kinh tế đang nổi ở châu Á và Nam Mỹ nằm trong tốp đầu danh sách các nước có nhiều đường đô thị tắc nghẽn nhất, theo đánh giá của Tomtom International, một nhà cung cấp dịch vụ bản đồ của Hà Lan.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.