Đột phá vào thị trường Trung Đông

27/10/2009 07:00 GMT+7

(TNO) Trung Đông là khu vực nổi tiếng với các quốc gia có trữ lượng dầu mỏ khổng lồ, đời sống cao..., nhưng đồng thời đó còn là thị trường trọng điểm, đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp VN (DNVN) có thể khai thác và làm ăn lâu dài.

Thị trường "khổng lồ"

Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang đã nhận định như vậy tại buổi hội thảo "Bí quyết thành công khi thâm nhập thị trường Trung Đông” do Bộ Công thương và Trường Cán bộ Quản lý Doanh nghiệp (CBAM) thuộc Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI) tổ chức hôm 23.10.

Trung Đông là vùng đất giao thoa giữa 3 châu lục Á-u-Phi, gồm 15 quốc gia, trong đó bao gồm nhiều nước thuộc khu vực vùng vịnh, sở hữu trữ lượng dầu mỏ hàng đầu thế giới. Theo ông Quang, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Đề án thúc đẩy quan hệ VN - Trung Đông giai đoạn 2008-2015" và Bộ Công Thương cũng đã ban hành chương trình hành động cụ thể để thực hiện đề án này.

Mặc dù kinh tế thế giới suy thoái nhưng Trung Đông vẫn là khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá tốt, đạt 6,4% năm 2008, nhập khẩu hoàn toàn các mặt hàng lương thực, tiêu dùng, máy móc thiết bị. Giá trị nhập khẩu khu vực này chiếm 514,5 tỉ USD, trong đó giá trị xuất khẩu của VN sang đây rất thấp, khoảng 2/1.000. Do vậy, đây là thị trường còn bỏ trống và mở ra nhiều cơ hội cho DNVN. 

Dù tiềm năng rất lớn nhưng theo ông Lý Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á, trên thực tế hiện nay nhiều nguyên nhân như giao thông cách trở, phong tục, tập quán, ngôn ngữ (tiếng Ả Rập), tôn giáo và sự cạnh tranh khốc liệt đã trở thành rào cản rất lớn đối với DNVN đến với thị trường này.

Lời khuyên mà ông Hùng đưa ra là các DNVN phải có những bước đi bài bản, tiếp thị và phân phối sản phẩm theo đúng “gu” của người dân địa phương. “Khi làm việc với các đối tác Trung Đông, họ rất trọng lòng tin do vậy các DNVN không nên sử dụng phương thức trao đổi bằng email, hay điện thoại kiểu làm việc với phương Tây mà mình đã quen dùng. Tốt nhất, phải gặp mặt trực tiếp để bàn bạc chuyện làm ăn, tạo lòng tin cho đối tác trong những lần tiếp xúc”, ông Hùng cung cấp thêm thông tin.

Bài học từ câu chuyện “bán kem rong”

Dù đầy khó khăn vì khác biệt về văn hóa nhưng theo PGS.TS Phan Thu Hiền, Giảng viên ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, DNVN đừng nghĩ vậy mà chùn bước. Bằng chứng Trung Đông là xứ sở sa mạc (chiếm 70% diện tích), khí hậu khô nóng nên đời sống cũng như nhu cầu của thị trường này lại khá sát sườn với các mặt hàng mà DNVN đang sản xuất.

Do khí hậu nóng nên từ cách ăn uống, làm đẹp, thời trang, nhà cửa của người dân ở đây đều nhắm đến các loại lương thực thực phẩm như gạo, nông sản: chè, cà phê; gia vị bảo quản thức ăn. Các mặt hàng vải vóc, lụa tơ tằm phục vụ cho việc ăn mặc theo đạo Hồi, các loại mỹ phẩm để chăm sóc sức khỏe như tinh dầu, quế, đinh hương… các sản phẩm như hòn non bộ, đài phun nước… Tất cả đều là những sản phẩm thế mạnh của VN.

 
Xuất khẩu gạo đang chiếm kim ngạch lớn nhất trong các ngành hàng nhập vào khu vực Trung Đông - Ảnh: T.L

Thế nhưng làm sao để người Trung Đông chấp nhận hàng hóa, sản phẩm đến từ VN trong khi hàng hóa Trung Quốc vừa có chất lượng, vừa rẻ? Đó là bài toán khó của hầu hết các DNVN. Để giải bài toán này, Thứ trưởng Lê Dương Quang khuyên mỗi DN, mỗi ngành hàng nên xác định đúng cho mình một đối tượng để phục vụ.

Đứng trên tư cách một nhà nghiên cứu văn hóa, PGS.TS Phan Thu Hiền nhấn mạnh: “Nếu muốn đưa được hàng vào đây, điều quan trọng là DNVN phải thích nghi, hiểu biết và ứng xử theo văn hóa của họ”. 

Bà Hiền kể câu chuyện hai chàng trai người Anh sang Trung Đông để mở các tiệm kem di động vào tháng 3.2009. Ban đầu, họ chỉ định bán cho cộng đồng 15.000 người Anh đang sống ở đây. Thế nhưng, nhanh chóng các xe kem của họ nổi tiếng khắp nơi đơn giản là vì món kem lạnh rất thích hợp cho xứ sa mạc nóng, ngoài ra việc sử dụng hình ảnh chú lạc đà (một biểu tượng gắn liền về vùng đất này) ăn kem, bắt đúng tâm lý gần gũi với người Trung Đông.

 
Nông sản, gia vị rất được ưa chuộng tại Trung Đông - Ảnh T.L

Bước dần sẽ ra... biển lớn

Nhiều rào cản, thách thức đặc biệt là các rủi ro về thanh toán cũng được các DN đặt ra với đại diện Bộ Công Thương trong việc mạnh dạn tìm đến thị trường này. Theo ông Hồ Quang Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu, để tránh điều này các DN nên tìm hiểu thông tin cụ thể, chính xác thông qua các thương vụ, tham tán thương mại của VN tại thị trường mỗi nước. Điều này giúp doanh nghiệp tìm được các đối tác tin cậy, tránh được rủi ro trong thanh toán.

Là người đã nhiều năm gắn bó với thị trường này, bà Lê Thị Cẩm Vân, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Bến Tre chia sẻ thêm: “Làm việc với thị trường này có thể gặp các tình huống như bị ứng tiền ít, chậm xử lý các sự cố về hàng hóa, bắt lỗi hàng hóa về chất lượng, bao bì để giảm tiền. Vì thế cần có sự kết hợp từ đầu với tham tán thương mại, sứ quán để tìm hiểu, hợp tác và giải quyết ổn thỏa các sự cố xảy ra”.

Ngoài những kinh nghiệm trên, việc góp sức của Bộ Công Thương hay VCCI trong việc tổ chức các đoàn giao thương sang khảo sát thị trường, tiếp xúc với các hiệp hội ngành hàng, hệ thống hóa danh sách các nhà nhập khẩu theo từng ngành hàng ở mỗi nước; xúc tiến việc thành lập diễn đàn DNVN-Trung Đông, tạo các chuyến thăm, các cuộc gặp gỡ giữa các doanh nghiệp hai bên sẽ là những hành trang hữu ích để DNVN tự tin đột phá và đạt nhiều thành công tại thị trường được xem là hấp dẫn này. 

Dương Thành Trung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.