UBND TP.HCM vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất bố trí vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 để đầu tư 3 dự án trọng điểm cấp bách.
Trong đó, dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) là công trình ì ạch nhất, gần 20 năm chưa thể triển khai.
Được đánh giá là con rạch ô nhiễm nhất thành phố, dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm được UBND TP phê duyệt từ năm 2002, nhưng đã 19 năm trôi qua vẫn nằm trên giấy. Báo cáo đoàn giám sát của HĐND TP.HCM trong buổi thực địa kiểm tra các dự án chống ngập trên địa bàn Q.Bình Thạnh diễn ra vào giữa năm 2019, ông Hồ Phương, Phó chủ tịch UBND Q.Bình Thạnh, cho biết dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm (chiều dài toàn tuyến khoảng 6,2 km) được TP giao cho quận từ tháng 8.2016, yêu cầu bằng mọi cách phải hoàn thành dự án chậm nhất vào 12.2018. Thế nhưng đến nay, dự án vẫn chưa thể triển khai do mức đầu tư quá lớn, khó kêu gọi các nhà đầu tư.
Cụ thể, dự án ban đầu ước tính khoảng 4.000 tỉ đồng bao gồm hơn 1.000 tỉ đồng cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, hơn 2.000 tỉ đồng là chi phí xây lắp. Tuy nhiên do chậm trễ, đến nay chi phí giải phóng mặt bằng ước tính đã “đội” lên 3.750 tỉ đồng. Tổng mức đầu tư của dự án từ 123 tỉ đồng dự toán năm 2002, nay đã vọt lên 9.353 tỉ đồng, gấp hơn 76 lần.
Từ tháng 8.2019 đến nay, UBND TP.HCM đã nhiều lần có văn bản yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cải tạo, nạo vét rạch Xuyên Tâm nhưng tới giờ, người dân sống quanh khu vực này vẫn đợi chờ mòn mỏi chưa biết khi nào mới thoát được tình cảnh khốn khổ vì ô nhiễm. Trong văn bản vừa gửi, UBND TP đề nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ toàn bộ 9.353 tỉ đồng để đầu tư, hoàn thiện dự án này.
Tương tự, dự án cải tạo kênh Hy Vọng dài gần 1,2 km kết hợp làm đường giao thông hai bên tạo điều kiện tiêu thoát nước chống ngập cho lưu vực sân bay Tân Sơn Nhất đã được TP chấp thuận phương án từ năm 2013, nhưng phải đến năm 2016, thiết kế cơ sở của dự án mới được UBND TP phê duyệt. Theo hồ sơ dự án cải tạo kênh Hy Vọng mà Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM hoàn tất hồi đầu năm, tổng kinh phí đầu tư cho công trình này là 513,7 tỉ đồng, trong đó chi phí xây dựng công trình gần 136 tỉ đồng, còn lại là đền bù, giải phóng mặt bằng, các khoản dự phòng, tư vấn... Thế nhưng, báo cáo với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP.HCM kiến nghị được hỗ trợ toàn bộ tổng mức đầu tư dự kiến của dự án này là 1.980 tỉ đồng, tức đã tăng gần 4 lần.
Dự án còn lại trong danh sách 3 dự án trọng điểm cấp bách mà TP.HCM "cầu cứu" vốn ngân sách Trung ương là Xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (Tây Ninh). Cuối năm 2018, khi Ban Quản lý dự án 2 (Tổng cục Đường bộ) trình Bộ GTVT thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, tổng mức đầu tư toàn tuyến giai đoạn 1 là 10.700 tỉ đồng. Đến đầu năm 2021, báo cáo tổng mức đầu tư của cao tốc TP.HCM - Mộc Bài đã tăng lên 13.600 tỉ đồng và đến nay đã "đội" lên 15.900 tỉ đồng, tăng gần 50% so với mức đầu tư dự kiến ban đầu. Mức tăng này chủ yếu là do cập nhật phát sinh đền bù, giải phóng mặt bằng. UBND TP.HCM đề nghị ngân sách Trung ương hỗ trợ Thành phố 5.901 tỉ đồng cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.
Như vậy, tổng vốn từ ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 đề nghị hỗ trợ TP.HCM để thực hiện 3 dự án trọng điểm cấp bách nêu trên là 17.234 tỉ đồng. UBND TP cam kết đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục pháp lý để triển khai các dự án, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng.
Bình luận (0)