Đó là vấn đề “nóng” của ngành mía đường được đặt ra tại Hội nghị tổng kết vụ sản xuất mía đường 2012 - 2013 tổ chức ngày 25.7 ở Hậu Giang.
|
Vụ mía đường năm 2012 - 2013, cả nước có 298.200 ha mía, sản lượng mía đạt 19,04 triệu tấn (tăng 1,5 triệu tấn so với vụ trước), các nhà máy đường đã ép được 1,53 triệu tấn đường. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng đường của cả nước năm 2013 chỉ khoảng 1,3 - 1,4 triệu tấn. Như vậy, lượng đường tồn khoảng 130.000 - 230.000 tấn. Với sản lượng thừa trên cộng với lượng đường nhập lậu, dự báo năm 2013, lượng tồn kho trong cả nước lên đến 500.000 tấn. Ngoài ra, nhiều khả năng giá đường sẽ còn hạ tiếp bởi thế giới đang dư thừa 10 triệu tấn đường.
Tình trạng đường tồn kho nhiều ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp (DN) lẫn thu nhập người trồng mía. Nhiều DN sản xuất đường cho biết có thể phải hạ giá thu mua mía nguyên liệu đầu vào để bớt thiệt hại. Hiện tại, giá mía nguyên liệu đầu vào ở nước ta vẫn đạt mức 50 USD/tấn (khoảng 1,1 triệu đồng/tấn), cao hơn Thái Lan 20 USD/tấn. Tuy nhiên, nông dân nước ta vẫn gặp khó khăn bởi có 298.200 ha mía nhưng có đến 400.000 hộ dân trồng.
Diện tích trồng tính trên đầu hộ dân quá nhỏ dẫn đến thu nhập của nông dân thấp, chưa kể chi phí sản xuất đầu vào cao hơn Thái Lan. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Công ty CP mía đường Bến Tre, cảnh báo: “Tình trạng trên còn có thể gây ra một tác động lớn hơn khi các nhà máy hạ giá mua nguyên liệu, người dân sẽ bỏ trồng mía, khi đó các nhà máy sẽ lại rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu”.
Buôn lậu công khai
Trong khi đó, tình trạng đường nhập lậu ngày càng nhiều và trắng trợn hơn là thực tế được ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký Hiệp hội mía đường, phản ảnh sinh động qua một video clip ghi lại hoạt động buôn lậu đường. Nguyên nhân nhập lậu đường gia tăng là do giá đường của Thái Lan luôn thấp hơn giá đường nước ta từ 2.000 - 3.000 đồng/kg. Từ năm 2010 đến nay, các lực lượng chức năng đã thu giữ 1.300 tấn đường nhập lậu; trong đó năm 2010 là 200 tấn, năm 2011 là 331 tấn, năm 2012 là 700 tấn và trong 6 tháng đầu năm 2013, ở An Giang đã bắt giữ 362 tấn. Ông Nguyễn Hải cho biết: “Phương thức thủ đoạn nhập lậu diễn ra ngày càng công khai hơn bằng các phương tiện lớn hơn như ghe, tàu trọng tải vài chục tấn và vận chuyển đường từ ghe lên kho bằng băng tải như một nhà máy đường”. Ở một số địa phương giáp biên giới như An Giang, dù nông dân không trồng mía nhưng vẫn mọc lên nhiều DN đăng ký kinh doanh đường và có không ít kho chứa đường. Theo thống kê của Chi cục Quản lý thị trường An Giang, chỉ riêng xã Khánh An và Khánh Bình, H.An Phú đã có 5 cơ sở, DN đăng ký kinh doanh đường có kho chứa hàng. Nhiều lần, qua kiểm tra, lực lượng chức năng xác định là hàng lậu nhưng không đủ cơ sở pháp lý để xử phạt. Ngoài ra, riêng hình thức nhập lậu đường thông qua “tạm nhập tái xuất” là hình thức lợi dụng ưu đãi về thuế. DN tạm nhập nhưng không tái xuất mà xả hàng bán nội địa. Trong 2 năm 2011, 2012 và 4 tháng đầu năm 2013, lực lượng chức năng đã phát hiện gần 90.000 tấn đường vi phạm dạng này.
Đình Tuyển
>> Thất thu hàng trăm tỉ đồng vì đường nhập lậu
>> Ngành mía đường chưa được đầu tư bài bản
>> Cơ chế quản lý mía đường quá lạc hậu
Bình luận (0)