“Đóng cửa” lô cốt
Sáng ngày lễ ông Công ông Táo (23 tháng chạp âm lịch), đường phố Sài Gòn thoáng đãng lạ thường. Không chỉ người dân hạn chế ra đường, nhiều công trình đào đường cũng đã thu gọn, tạm thời ngưng thi công khiến đường sá càng trở nên rộng rãi, thông thoáng. Năm nay, tình trạng đào đường chạy giải ngân dịp cuối năm cũng đã giảm rất nhiều, không còn tái diễn tại nhiều tuyến đường.
Những ngày qua, nhiều lô cốt, rào chắn thi công trên đường Bến Vân Đồn (Q.4) dọc bờ kênh Tàu Hủ, đã dần “biến mất”. Trước đây, đoạn đường chỉ dài chưa tới 2 km nhưng có đến 3 - 4 lô cốt nối đuôi nhau, gây cản trở giao thông nghiêm trọng. Nay, chỉ còn rào chắn khu vực đối diện số nhà 155 Bến Vân Đồn vẫn tiếp tục thi công. Phía bên ngoài cũng đã được dọn dẹp gọn gàng để không ảnh hưởng tới các phương tiện di chuyển. Tất cả đều thuộc dự án “Cải thiện môi trường nước TP.HCM lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Kênh Đôi - Tẻ giai đoạn 2”.
Chị Lê Khanh (Q.4), hằng ngày đi tập thể dục qua dọc bờ kênh Tàu Hủ, cho biết nhiều năm qua, tuyến đường này lúc nào cũng trong tình trạng bị bủa vây bởi lô cốt. Các rào chắn chiếm quá nửa diện tích đường, xe cộ hằng ngày lưu thông rất chật vật. Đáng chú ý, trên tấm bảng thông tin dự án được gắn ngoài lô cốt, thời gian thi công đoạn rào chắn liên tục bị sửa, kéo dài từ tháng này qua năm nọ không hoàn thành. “Dạo gần đây không còn lô cốt, đường thông thoáng hẳn. Các khu vực thi công cũng đã được dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ hơn, không khí trong lành hơn cho người đi tập thể dục”, chị Khanh nói.
Tương tự, đường Tôn Thất Thuyết được mệnh danh là “con đường lô cốt” cũng đang rục rịch tháo dỡ, chỉ còn lại vị trí trước số 197 Tôn Thất Thuyết thuộc danh mục các dự án được phép thi công xuyên tết nên vẫn còn giữ rào chắn. Nhiều đoạn vỉa hè khu vực Q.3, phía đường Điện Biên Phủ, đường Hồ Xuân Hương được đào lên thi công lát lại gạch hồi cuối năm 2020 cũng đã hoàn thành, trả lại mặt đường, vỉa hè mới cho người dân. Nhiều lô cốt, vị trí rào chắn trên các tuyến đường thuộc địa bàn Q.8, Q.6… cũng đã tạm tháo dỡ.
Mạnh tay với nhà thầu vi phạm
Tình trạng người dân ra khỏi cửa là thấy bụi bay mù mịt, lô cốt khắp nơi, đô thị nhếch nhác thực tế là “vấn nạn” của TP.HCM rất nhiều năm qua. Để hạn chế tình trạng đường phố thành đại công trường, từ năm ngoái, Sở GTVT đã triển khai ban hành danh mục các tuyến đường, đoạn đường hạn chế thi công đào đường trong năm mới.
Theo Sở GTVT TP.HCM, tính đến cuối tháng 12.2020, trên địa bàn TP.HCM có khoảng 100 vị trí rào chắn trên 50 tuyến đường để phục vụ thi công các công trình, dự án. Ngay từ tháng 1, Sở GTVT đã ra thông báo yêu cầu các công trình đào đường phải tạm ngưng thi công trước Tết Nguyên đán 2021. Ngày 4.2 là thời hạn cuối cùng chủ đầu tư tất cả công trình hạ tầng kỹ thuật phải thu gọn rào chắn thi công. Tuy nhiên, do tính chất cấp bách của dự án, có một số công trình được phép thi công xuyên tết gồm: Sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh; Hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ và một số vị trí thuộc gói thầu G - Dự án cải thiện môi trường nước TP.HCM giai đoạn 2.
|
Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý các tổ chức, cá nhân không chấp hành quy định của UBND TP, hướng dẫn của Sở GTVT. Cụ thể, xử lý theo hình thức tăng nặng các đơn vị chủ đầu tư, thi công, giám sát thường xuyên để xảy ra vi phạm, tái diễn sai phạm; rà soát và áp dụng các hình thức xử lý bổ sung thu hồi giấy phép thi công, đình chỉ thi công chặt chẽ theo quy định. Các nhà thầu vi phạm nhiều lần cũng đã bị “bêu tên” trên các phương tiện truyền thông, xử phạt nghiêm, thậm chí ngưng cấp phép thi công.
Kết quả, trong cả năm 2020, thanh tra Sở đã phát hiện và lập biên bản 636 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực thi công công trình với số tiền xử phạt hơn 3,7 tỉ đồng. Số vụ vi phạm và số tiền xử phạt đã giảm nhiều so với con số 778 vụ, hơn 5,246 tỉ đồng trong năm 2019.
Trong năm 2021, Sở GTVT TP.HCM tiếp tục ban hành danh mục 343 tuyến đường, đoạn đường hạn chế thi công đào đường và hơn 768 tuyến đường hạn chế thi công đào đường ban ngày (từ 5 - 22 giờ) nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho các phương tiện lưu thông, đồng thời hạn chế tình trạng kẹt xe vào các giờ cao điểm.
Trong danh mục này, có các tuyến QL1 (đoạn cầu Đồng Nai đến ranh Long An), QL1K (nút giao Linh Xuân đến ranh Bình Dương), QL13 (từ Xô Viết Nghệ Tĩnh đến QL1), QL22 (vòng xoay An Sương đến ranh Tây Ninh), QL50 (cầu Nhị Thiên Đường đến ranh Long An) là tuyến đường trục chính, có mật độ lưu thông cao; các tuyến Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ, Phạm Văn Đồng, xa lộ Hà Nội, Kinh Dương Vương là các tuyến đã hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật.
Bên cạnh đó, hai lô cốt có “thâm niên” lâu nhất, gây ảnh hưởng nhiều nhất tới đời sống người dân là công trình tuyến metro số 1 (gần chợ Bến Thành) và dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 (khu vực đường Tôn Đức Thắng) dự kiến sẽ được tháo bỏ trong năm 2021, khi 2 đại dự án hoàn thành.
Bình luận (0)