FDI 6 tháng đầu năm: Dấu ấn Hoa Kỳ và Nhật Bản

11/07/2006 17:08 GMT+7

Với những dự án quy mô lớn và các dự án đầu tư, mở rộng đầu tư, dường như các tập đoàn đến từ Hoa Kỳ và Nhật Bản đang trở thành những chủ thể chính trong bức tranh đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam 6 tháng đầu năm nay.

Từ những dự án "khổng lồ"

Điểm lại bức tranh FDI 6 tháng đầu năm, có thể thấy, Lễ trao giấy phép đầu tư cho Tập đoàn sản xuất chip máy tính lớn nhất thế giới Intel cuối tháng 2 vừa qua có thể coi là một trong những sự kiện đặc biệt nhất. Nói đặc biệt là bởi, có rất nhiều quốc gia trên thế giới muốn trở thành điểm đầu tư của Intel, nhưng cuối cùng tập đoàn này vẫn chọn Khu công nghệ cao TP.HCM.

Bản thân Chủ tịch tập đoàn Intel, ông Craig Barrett cũng khẳng định: “Chúng tôi lựa chọn địa điểm này trong số hơn 150 quốc gia khảo sát. Đồng nghiệp của tôi đã đề cập đến một số trong rất nhiều lợi thế nổi trội của khu công nghệ cao thành phố HCM. Đó là năng lực giao thông vận tải, thái độ và cam kết của chính phủ, lực lượng lao động và hệ thống cơ sở hạ tầng. Chúng tôi xem xét tất cả các điều kiện và kết quả là rất tích cực”.

Dự án 605 triệu USD này của Intel cũng đã góp phần đưa TP.HCM vươn lên đứng đầu trong cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài trong 6 tháng đầu năm, chiếm hơn 30% tổng vốn đăng ký của cả nước.

Tuy tập đoàn Intel có gốc từ Hoa Kỳ, nhưng chủ đầu tư lại đăng ký tại Hồng Kông, nên trong 6 tháng đầu năm nay, Hồng Kông dẫn đầu các nước và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam về số vốn cấp mới. Tuy nhiên, nếu tính cả đầu tư qua nước thứ ba, Hoa Kỳ vẫn giữ vị trí dẫn đầu.

Những tham vọng mở rộng

Theo tổng kết và đánh giá của Bộ Kế hoạch và đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2006, hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục diễn biến tích cực. Vốn đầu tư thực hiện đã tăng gần 18% so với cùng kỳ, mức tăng cao so với các năm trước. 

Trong 6 tháng đầu năm, cả nước đã có thêm 339 dự án được cấp giấy phép với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,26 tỷ USD, tăng 5% về số dự án và tăng 21% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Một điểm đáng chú ý nữa trong 6 tháng đầu năm là sự tiếp tục của làn sóng đầu tư, mở rộng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam, đi đầu là các tập đoàn lớn. Công ty Honda Việt Nam, sau hơn 10 năm hoạt động đã tăng tổng số vốn đầu tư lên gần 210 triệu USD. Hiện Honda Việt Nam đang triển khai dự án xây dựng nhà máy ô tô với số vốn khoảng 60 triệu USD.

Đây là Dự án xây dựng nhà máy ô tô đã được triển khai từ 5 năm trước. Hiện đã hoàn thành việc xây dựng nhà máy, lắp đặt máy móc, thiết bị và đang tiến hành sản xuất thử để cuối tháng 8 tới cho ra mắt xe Honda Civic thế hệ thứ 8.

Theo ông Hiroaki Funami, Tổng giám đốc công ty Honda Việt Nam: “Môi trường đầu tư ổn định, sự quan tâm và hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam, của chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc là những lý do khiến chúng tôi quyết định mở rộng đầu tư tại Việt Nam”.

Đến cơn bão đầu tư

Sự có mặt của Intel và những dự án mở rộng đầu tư như của Honda được coi là “sự đảm bảo bằng vàng” cho môi trường đầu tư tại Việt Nam. Theo chân các tập đoàn lớn như Honda, Canon, Panasonic... nhiều công ty Nhật cũng đã đầu tư vào Việt Nam.

Khu công nghiệp Nomura (Hải Phòng) hiện đang có tới 46 trong tổng số 52 nhà đầu tư đến từ Nhật. 6 tháng đầu năm nay, KCN này đón thêm 7 nhà đầu tư mới và có thêm 11 dự án tăng vốn đầu tư, mở rộng sản xuất. Tất cả đều là các nhà đầu tư Nhật Bản.

Chẳng hạn, theo thông tin từ ông Yamakawa Masahiro, Phó Tổng Giám đốc công ty chế tạo máy EBA thì công ty ông: “vừa tăng vốn đầu tư thêm 2 triệu USD và chuẩn bị tăng thêm 4 triệu USD nữa để mở rộng sản xuất. Kế hoạch của chúng tôi là sẽ xây dựng tại đây một nhà máy có thể hoàn thiện tất cả các khâu, từ gia công thô nguyên liệu đến lắp ráp các phần máy hoàn chỉnh”.

Đáng lưu ý là hầu như toàn bộ các công ty Nhật Bản tại KCN Nomura có thương hiệu nổi tiếng, sử dụng kỹ thuật và công nghệ cao, sản phẩm chủ yếu để xuất khẩu. Tỷ suất đầu tư trên một ha tại khu Nomura hiện lên tới 6 triệu USD. Đây cũng là kết quả của chính sách thu hút đầu tư của Nomura và thành phố Hải Phòng.

Chính vì thế, có nhiều nhà đầu tư ban đầu chỉ định ép thành phẩm nhựa để cung cấp ra ngoài. Nhưng do môi trường đầu tư thuận lợi và tin tưởng vào trình độ của công nhân Việt Nam nên những nhà đầu tư này đã quyết định chuyển giao công nghệ. Điều đáng nói là theo nguyên tắc, công ty này không bao giờ chuyển ra ngoài Nhật Bản. Thế nhưng sự hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam đã khiến họ chuyển giao cả dây chuyền chế tạo máy, đặc biệt là chế tạo khuôn ngay tại Việt Nam.

Rõ ràng, những chuyển biến tích cực của hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 6 tháng đầu năm có sự đóng góp lớn của các nhà đầu tư đến từ Hoa Kỳ và Nhật Bản. Môi trường đầu tư được cải thiện khá bài bản được coi là yếu tố chính kéo các nhà đầu tư đến từ 2 quốc gia này chọn Việt Nam làm nơi đầu tư để chia sẻ rủi ro từ việc quá tập trung vào thị trường lớn Trung Quốc. 

(Theo VTV)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.