Giá heo Việt Nam cao nhất thế giới

Chí Nhân
Chí Nhân
05/07/2018 08:06 GMT+7

Giá heo hơi VN đang cao hơn mức bình quân của thế giới ít nhất 5.000 đồng/kg. Heo nội đắt, heo ngoại được ưa chuộng nên lượng thịt nhập khẩu tăng đột biến trong tháng 5 vừa qua.

Cao nhất suốt 3 tháng qua
Nhập khẩu, trâu, bò, gà… cũng tăng mạnh
Nhập khẩu thịt trâu, bò sống đã qua giết mổ đạt 5.000 tấn, trị giá
18,5 triệu USD, tăng 46% về lượng và tăng 30% về trị giá so với tháng 4.2018. Nhập khẩu thịt gia cầm đã qua giết mổ đạt 19.000 tấn, trị giá 17 triệu USD, tăng gần 56% về lượng và tăng 52% về trị giá so với tháng 4.2018.
Báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan cho biết: Tháng 5.2018, tổng sản lượng thịt nhập khẩu đạt gần 30.000 tấn, trị giá gần 43 triệu USD; tăng hơn 50% về lượng và 39% về giá trị so với tháng 4.2018.
Trung Quốc là nước sản xuất thịt heo lớn nhất thế giới và có giá khá rẻ. Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng heo cung cấp ra thị trường của Trung Quốc năm 2018 lên tới gần 55 triệu tấn, tăng 2,3% so với năm 2017. Sản lượng tăng khiến giá heo hơi tại nước này suốt từ đầu năm đến nay luôn duy trì ở mức thấp. Trong những ngày cuối tháng 6, đầu tháng 7 này, heo hơi cao nhất ở tỉnh Chiết Giang chỉ khoảng 11,78 CNY/kg (gần 41.000 đồng/kg). Thấp nhất là tại Tân Cương, trung bình ở mức 10,68 CNY/kg (khoảng 37.154 đồng/kg). Hiện đang là mùa hè, nhu cầu tiêu thụ thịt thấp, nên giá heo hơi tại Trung Quốc sẽ khó tăng. Nguồn cung dư thừa cũng là một trong những lý do Trung Quốc tuyên bố tăng thuế nhập khẩu thịt heo Mỹ thêm 25% từ ngày 6.7.2018.
Mỹ là nước xuất khẩu thịt heo lớn nhất thế giới và cũng là nhà cung cấp thịt heo lớn nhất cho thị trường VN hiện nay với 37% thị phần. Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, dù những ngày cuối tháng 6, giá thịt heo của Mỹ có tăng nhẹ 3,5 USD cent/pound, lên mức 80,8 USD cent/pound, khoảng 41.000 đồng/kg. Nước có ngành chăn nuôi lớn, phát triển trong khu vực là Thái Lan, giá heo hơi bán tại trại chỉ có 1,67 USD/kg (38.500 đồng/kg), trong khi giá thành sản xuất là 1,92 USD/kg. Hiệp hội chăn nuôi ở Thái đã yêu cầu các trại chăn nuôi quy mô trên 5.000 con phải giảm sản lượng, đẩy mạnh xuất khẩu tiểu ngạch sang các nước lân cận.
Trong khi đó, tại VN giá heo hơi đã tăng mạnh suốt quý 2/2018, với mức tăng tổng cộng lên đến 15.000 - 16.000 đồng/kg so với cuối năm 2017. Mức giá phổ biến ở các tỉnh miền Bắc từ 48.000 - 50.000 đồng/kg, còn các tỉnh miền Nam 44.000 - 45.000 đồng/kg. Như vậy, so với khu vực và thế giới, giá heo hơi của VN đang ở mức cao nhất trong suốt 3 tháng qua. Lý do giá thịt heo VN ngược chiều thế giới, theo Bộ NN-PTNT, trong 6 tháng đầu năm tổng đàn heo giảm khoảng 3% so với cùng kỳ năm 2017; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng cũng giảm 1%, chỉ đạt 2,19 triệu tấn.
Lo heo ngoại tràn vào VN
“Giá thịt heo trong nước đang ở mức cao trong khi thế giới đặc biệt là các nước lân cận thấp nên nguy cơ thịt ngoại sẽ tràn vào VN, nhất là đường tiểu ngạch”, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), cảnh báo cách đây chưa lâu. Như nói trên, nhập khẩu thịt heo từ Mỹ vào VN đã tăng tới 50% về lượng trong tháng 5. Đứng sau Mỹ là Ấn Độ, chiếm 11,5% thị phần và tăng trưởng trong tháng 5 tới 80% về lượng và 81% về giá trị so với tháng 4. Tính chung 5 tháng đầu năm 2018, lượng thịt và các sản phẩm từ thịt nhập khẩu đạt 113.000 tấn, trị giá 178 triệu USD.
Nhiều nhà nhập khẩu dự báo: Nhập khẩu thịt sẽ tiếp tục tăng mạnh trong ngắn hạn. Thứ nhất, để bù vào nguồn thiếu hụt tạm thời trong nước. Thứ hai, nhà xuất khẩu thịt lớn nhất thế giới là Mỹ đang gặp khó về đầu ra. Trung Quốc và Mexico là hai nhà nhập khẩu thịt lớn nhất của Mỹ đánh thuế mạnh vào mặt hàng thịt heo của Mỹ. Tổng mức thuế mà Trung Quốc áp lên thịt heo của Mỹ đến 71% (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Mexico tăng 20% thuế nhập khẩu thịt heo từ Mỹ, nên VN sẽ trở thành thị trường tiềm năng để các nhà sản xuất thịt heo của Mỹ tăng xuất khẩu.
Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo sản lượng thịt heo toàn cầu trong năm 2018 sẽ tăng 1,8% so với năm 2017 lên 113 triệu tấn. Những thông tin trên cho thấy, người chăn nuôi cần thận trọng nếu tăng đàn, vì nguồn cung thế giới đang rất dồi dào. “Người chăn nuôi phải kiểm soát đàn, tăng cường vỗ béo để xuất chuồng đúng thời điểm giá cao. Chính quyền địa phương phải kiểm soát đàn vật nuôi, nắm rõ số lượng và tăng cường thông tin trên các phương tiện truyền thông về số lượng đàn vật nuôi trên địa bàn để tránh tình trạng tăng đàn mất kiểm soát”, ông Nguyễn Xuân Dương cảnh báo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.