Sáng 15.9, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.1170 đồng/USD, giảm 13 đồng so với hôm qua. Giá USD tại một số ngân hàng tiếp tục đứng yên như Vietcombank vẫn mua vào 22.640 đồng/USD và bán ra 22.870 đồng/USD; Eximbank giữ nguyên giá mua 22.660 đồng/USD và bán ra 22.840 đồng/USD...
Trên thị trường quốc tế, chỉ số USD-Index đầu ngày đạt 92,66 điểm, tăng 0,02 điểm so với hôm qua. Đồng bạc xanh ổn định sau khi Mỹ công bố thông tin về chỉ số giá tiêu dùng không tăng cao như dự báo. Theo Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 8 tăng 0,3% sau khi tăng 0,5% trong tháng 7 và tỷ lệ lạm phát tháng 8.2021 so với tháng 8.2020 là 5,3%. Mức tăng của tháng 8 thấp hơn dự báo do các nhà kinh tế đưa ra tại cuộc khảo sát của Dow Jones là lạm phát sẽ tăng 5,4% so với năm trước và 0,4% so với tháng trước.
Theo các nhà phân tích, chỉ số giá tiêu dùng đang tạo áp lực lên đồng USD và qua đó hỗ trợ vàng. Lạm phát tăng thấp có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trì hoãn việc siết dòng tiền bơm ra thị trường. Mặc dù áp lực lạm phát đã giảm bớt vào tháng 8, nhưng chia sẻ trên Kitco, Paul Ashworth, nhà kinh tế trưởng Mỹ tại Capital Economics cho rằng nguy cơ giá cả hàng hóa leo thang vẫn chưa biến mất. Capital Economics kỳ vọng lạm phát sẽ giảm trong những tháng tới khi mà áp lực lạm phát do việc mở cửa trở lại nền kinh tế suy giảm. Tuy nhiên, nếu xem xét một cách kỹ lưỡng, có thể thấy áp lực lạm phát theo chu kỳ đang tiếp tục gia tăng.
Dù chỉ số lạm phát tháng 8 thấp nhưng thị trường chứng khoán Mỹ vẫn lao dốc. Chốt phiên 14.9, chỉ số Dow Jones giảm 292,06 điểm, tương đương giảm 0,84% xuống 34.577,57 điểm; S&P 500 mất 0,57% còn 4.443,05 điểm và Nasdaq cũng bốc hơi 0,45% xuống 15.037,76 điểm. Tính từ đầu tháng 9 đến nay, S&P 500 và Nasdaq đều giảm hơn 1%, Dow Jones mất tới 2,2%.
Bình luận (0)