Ngày 17.9, Ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá trung tâm 9 đồng/USD, lên 23.119 đồng/USD. Trên thị trường liên ngân hàng, giá USD tăng nhẹ 1 đồng, lên 22.756 đồng/USD. Ngân hàng thương mại giữ giá USD đứng yên, Eximbank mua vào 22.660 - 22.680 đồng/USD và bán ra 22.840 đồng/USD; Vietcombank mua vào với giá 22.640 - 22.670 đồng/USD và bán ra 22.870 đồng/USD… Đồng bạc xanh trên thị trường tự do tăng 15 đồng ở chiều mua vào, lên 23.060 đồng/USD và bán ra tăng 40 đồng/USD, lên 23.230 đồng/USD.
Giá USD trên thị trường quốc tế tăng mạnh trở lại, chỉ số USD-Index tăng từ 92,5 điểm lên 92,92 điểm. Các báo cáo kinh tế Mỹ mạnh hơn dự kiến làm tăng chỉ số đô la Mỹ. Doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 8 tăng 0,7%. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ tăng nhẹ nhưng vẫn ở gần mức thấp nhất của đại dịch. Các thông tin này ủng hộ những người muốn thấy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thực hiện giảm dần chương trình mua trái phiếu hằng tháng của mình sớm hơn.
Lợi suất trên trái phiếu kho bạc 10 năm chuẩn của Mỹ tăng, hiện đạt 1,334% đã giúp đồng bạc xanh tăng giá mạnh. Tuy nhiên điều này làm các chỉ số chứng khoán của Mỹ biến động trái chiều. Chỉ số Dow Jones giảm 63,07 điểm, tương đương 0,18%, xuống 34.751,32 điểm; S&P 500 giảm 6,95 điểm, tương đương 0,16%, xuống 4.473,75 điểm; Nasdaq tăng 20,4 điểm, tương đương 0,13%, lên 15.181,92 điểm.
Cổ phiếu toàn cầu đã chứng kiến một số áp lực về giá, một phần do lo lắng về sự suy giảm kinh tế ở Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là nhà nhập khẩu kim loại lớn. Các báo cáo từ Trung Quốc cho biết nhà phát triển bất động sản khổng lồ China Evergrande Group đang gặp vấn đề nợ nghiêm trọng có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm đối với lĩnh vực nhà ở của Trung Quốc vốn đóng một vai trò lớn trong tăng trưởng kinh tế của nước này.
Bình luận (0)