Sáng 23.4, giá USD tự do tăng 50 đồng/USD, mua vào lên 23.730 đồng/USD và bán ra 23.770 đồng/USD. Các ngân hàng thương mại vẫn không thay đổi giá USD, Eximbank mua vào 22.970 - 22.990 đồng/USD và bán ra 23.160 đồng/USD; giá mua USD tại Vietcombank giữ ở mức 22.955 - 22.985 đồng/USD và bán ra 23.165 đồng/USD.
Ngân hàng Nhà nước vừa công bố kết quả điều hành chính sách tiền tệ quý 1, trong đó đề cập tỷ giá và thị trường ngoại tệ những tháng qua được điều hành phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ. Thị trường ngoại tệ ổn định, thanh khoản thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Định hướng trong những tháng tiếp theo, Ngân hàng Nhà nước điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ tạo điều kiện giảm chi phí vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế. Tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong và ngoài nước, diễn biến tỷ giá, cung cầu ngoại tệ để điều hành tỷ giá phù hợp, thực hiện đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ nhằm ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Trên thị trường quốc tế, đồng bạc xanh đã tăng giá trở lại sau đợt sụt giảm, chỉ số USD-Index tăng 0,21 điểm, lên 91,32 điểm. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cho biết Mỹ và EU không cùng quan điểm khi nói đến sự phục hồi kinh tế và kỳ vọng lạm phát. Lạm phát của khu vực đồng euro tăng trong tháng 3, nhưng nó vẫn thấp hơn nhiều so với đối tác Mỹ. Lạm phát ở 19 quốc gia chia sẻ đồng euro đã tăng lên 1,3% trong tháng 3 hằng năm so với con số 0,9% của tháng 2.Trong khi đó, lạm phát của Mỹ đã tăng tốc lên 2,6% hằng năm vào tháng 3 từ mức 1,7% của tháng 2. Đây là mức tăng cao nhất trong năm kể từ tháng 8.2018.
Về tăng trưởng GDP, khu vực đồng euro đã giảm 0,7% trong quý 4/2020. Dữ liệu kinh tế sắp tới cho thấy hoạt động có thể đã thu hẹp trở lại trong quý 1. Chủ tịch ECB lưu ý có cơ hội để tăng trưởng trở lại trong quý thứ hai. Ngược lại, Cục Phân tích Kinh tế báo cáo tại Mỹ, GDP quý 4 tăng 4,3%.
ECB đã giữ nguyên lãi suất và tốc độ mua tài sản ròng theo chương trình mua khẩn cấp do đại dịch (PEPP) với tổng số tiền là 1.850 tỉ euro cho đến ít nhất là cuối tháng 3.2022 và trong mọi trường hợp cho đến khi họ nhận định giai đoạn khủng hoảng dịch Covid-19 đã kết thúc,
Christine Lagarde cũng cảnh báo không nên rút hỗ trợ tài chính sớm, điều này sẽ làm trì hoãn quá trình phục hồi và có tác động "gây sẹo". Các chính sách tài khóa và tiền tệ "bổ sung cho nhau" và "không thay thế nhau”. Khu vực đồng euro vẫn còn một chặng đường dài phía trước.
Bình luận (0)