Sáng 12.6, giá vàng miếng tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vào là 56,7 triệu đồng/lượng và bán ra 57,3 triệu đồng/lượng, giảm 200.000 đồng so với cuối ngày hôm qua. Trước đó, vàng SJC đã có trọn một ngày tăng theo đà đi lên của thế giới. Riêng ngân hàng Eximbank cuối ngày 11.6 cũng tăng thêm 50.000 đồng lên giá mua vào 57 triệu đồng/lượng và bán ra 57,5 triệu đồng/lượng và đã đóng cửa nghỉ giao dịch cuối tuần. Dù trong nước giao dịch nhỏ giọt nhưng vàng SJC vẫn kéo giãn khoảng cách với vàng thế giới khi cao hơn 5,1 triệu đồng/lượng hay vì dưới 5 triệu đồng như những ngày trước.
Giá vàng thế giới phiên cuối tuần trượt xa khỏi mốc 1.900 USD và giảm về 1.878,3 USD/ounce, quy đổi tương đương 52,2 triệu đồng/lượng, chưa bao gồm thuế, phí.
Kim loại quý sụt giảm trong phiên giao dịch ngày 11.6 vì áp lực từ đồng USD mạnh, với một số nhà đầu tư đặt cược rằng sự gia tăng của chỉ số giá tiêu dùng Mỹ chỉ là tạm thời và không ảnh hưởng tới chính sách hiện tại của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Sáng 12.6, chỉ số USD-Index đạt 90,51 điểm, tăng 0,48 điểm so với hôm qua. Đồng USD mạnh khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua bằng ngoại tệ khác.
Mặc dù lạm phát kỳ vọng tăng cao nhưng kim loại quý đang gặp khó khăn khi duy trì mức trên 1.900 USD/ounce. Tuy nhiên, vàng nhận được hỗ trợ từ sự sụt giảm của lợi suất trái phiếu. Theo đó, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 3 tháng, giúp giảm chi phí cơ hội tài sản không sinh lời như vàng.
Theo chuyên gia phân tích kỹ thuật Wang Tao của Reuters, giá vàng vẫn có cơ hội tăng lên quãng 1.932 - 1.953 USD/ounce. Về dài hạn, lạm phát cao sẽ là yếu tố đẩy giá vàng đi lên. Sức cầu đối với vàng cũng đã có dấu hiệu tăng lên khi các quỹ giao dịch vàng hàng đầu trên thế giới đẩy mạnh mua vào. Ngân hàng trung ương nhiều nước trên thế giới cũng phát đi tín hiệu sẽ tăng dự trữ vàng trong năm 2021...
Bình luận (0)