Sáng 1.7, ngân hàng Eximbank niêm yết giá mua vàng miếng là 56,3 triệu đồng/lượng và bán ra 56,7 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng ở chiều mua vào nhưng giảm 50.000 đồng ở chiều bán ra so với hôm qua. Còn giá vàng miếng tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vào là 56,3 triệu đồng/lượng và bán ra 56,9 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng so với cuối ngày hôm qua. Chênh lệch giữa giá mua và bán của SJC vẫn duy trì ở mức 600.000 đồng/lượng.
Dù đã sụt giảm mạnh trong tháng 6 vừa qua nhưng tính chung từ đầu năm đến nay, vàng miếng SJC vẫn tăng thêm 800.000 đồng/lượng. Như vậy, người mua vàng từ đầu năm và nắm giữ đến nay cũng chỉ lời vỏn vẹn 200.000 đồng/lượng, tương đương khoảng 0,35%, thua xa lãi suất gửi tiền vào ngân hàng.
Giá vàng thế giới đầu ngày xoay quanh mức 1.771 USD/ounce, tăng nhẹ khoảng 5 USD so với hôm qua. Dù vậy, kim loại quý vẫn ghi nhận mức giảm sâu trong vòng một tháng vừa qua khi nhà đầu tư cảnh giác trước dữ liệu việc làm sắp tới của Mỹ có thể làm tăng lo ngại về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nới lỏng chương trình mua tài sản. Việc các quan chức Fed tái khẳng định họ sẽ nâng lãi suất vào năm 2023 cũng như bắt đầu giảm bớt việc mua trái phiếu khiến thị trường vàng mất đà hồi phục. Bên cạnh đó, đồng USD có xu hướng tăng trở lại và chứng khoán Mỹ cũng lên cao kỷ lục đã khiến nhiều nhà đầu tư bán tháo vàng.
Thị trường chứng khoán nhiều nơi trong 6 tháng đầu năm nay tăng vọt lên mức kỷ lục mới. Chẳng hạn VN-Index của thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng hơn 27,7%, cao gần gấp đôi so với mức tăng của cả năm 2020. Còn tại Phố Wall, chỉ số Dow Jones tăng 210,22 điểm trong phiên cuối tháng 6, lên 34.502,51 điểm; Chỉ số S&P 500 nhích 0,13% lên 4.297,50 điểm, đóng cửa tại mức cao kỷ lục 5 phiên liên tiếp. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite lùi 0,17% xuống 14.503,95 điểm. Tính chung, chỉ số S&P 500 đã tăng vọt 14,4% từ đầu năm đến nay, còn Nasdaq Composite và Dow Jones đều cao hơn 12%...
Bình luận (0)