Ngày 2.3, giá vàng miếng SJC giảm 190.000 – 250.000 đồng/lượng, Eximbank mua vào còn 55,61 triệu đồng/lượng và bán ra 55,95 triệu đồng/lượng; Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC mua vào còn 55,6 triệu đồng/lượng và bán ra 56 triệu đồng/lượng… Vàng trong nước có mức giảm chậm hơn so với giá thế giới dẫn đến chênh lệch cao hơn, lên mức kỷ lục 8 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới ngày 2.3 giảm 27 USD/ounce, xuống còn 1.724,5 USD/ouce. Thông tin kinh tế Mỹ khả quan khiến vàng bị bán tháo. Viện Quản lý Cung ứng Mỹ ISM cho biết PMI lĩnh vực sản xuất tại nước này ở mức 60,8% trong tháng 2.2021, trái với dự báo đi ngang tại mức 58,7% của tháng trước đó. Đây là mức PMI lớn nhất kể từ tháng 9.2018 cho tới nay.
Các nhà đầu tư vẫn tiếp tục bán vàng ra, quỹ đầu tư vàng lớn nhất thế giới SPDR bán thêm 9,04 tấn vàng, lượng vàng nắm giữ của quỹ này xuống còn 1.084,5 tấn. Quỹ SPDR kéo dài những ngày bán vàng trong hơn 1 tháng trở lại đây và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Bà Suki Cooper, nhà phân tích kim loại quý tại Ngân hàng Standard Chartered, cho rằng vàng đang bị bán quá mức khiến giá giảm. Vàng đang tìm động lực ổn định sau khi phá vỡ ngưỡng hỗ trợ quan trọng vào cuối tuần qua và giảm xuống mức thấp nhất trong 8 tháng. Giá vàng kỳ hạn tháng 4 vẫn ở gần mức thấp gần đây, giao dịch lần cuối là 1.721,1 USD/ounce, giảm 0,45% trong ngày. Tổng lượng kim loại được nắm giữ trong quỹ tín thác đã giảm xuống mức thấp nhất trong 7 tháng. Quỹ ETP tạo ra một nguồn áp lực giảm vì khả năng phục hồi của kim loại hiện tại được tin tưởng là không chắc chắn. Dù xu hướng giảm giá đang đè nặng lên vàng, Cooper cho rằng các yếu tố cơ bản về dài hạn của kim loại quý này vẫn hỗ trợ. Chính sách tiền tệ dễ dàng, kỳ vọng lạm phát gia tăng và kỳ vọng về kích thích lớn sẽ hỗ trợ cho xu hướng tăng dài hạn của vàng.
Bình luận (0)