Sáng 5.8, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC giảm 100.000 đồng/lượng đối với giao dịch vàng miếng, xuống mức mua vào là 56,55 triệu đồng/lượng và bán ra 57,25 triệu đồng/lượng. Tương tự, Eximbank mua vào 56,65 triệu đồng/lượng và bán ra 57,2 triệu đồng/lượng, giảm 250.000 đồng so với đầu ngày hôm qua. Bất chấp thị trường trong nước hầu như không giao dịch khi nhiều tỉnh thành đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, chênh lệch giữa giá mua và bán vàng miếng SJC vẫn duy trì ở mức 700.000 đồng và đang cao hơn thế giới khoảng 7 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới sáng 5.8 đứng ở mức 1.811,6 USD/ounce, đi ngang trong vòng 24 giờ qua. Nhưng kim loại quý đã dứt đà tăng đầu phiên trước đó sau phát biểu từ quan chức hàng đầu của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và số liệu hoạt động ngành dịch vụ Mỹ đạt kỷ lục. Chỉ số hoạt động PMI phi sản xuất của Viện Quản lý Cung ứng Mỹ đã đạt được mức cao nhất trong lịch sử vào tháng trước.
Theo Reuters, lợi suất kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã tăng từ mức thấp sau bình luận của ông Clarida, làm giảm sự hấp dẫn của vàng. Đồng USD cũng phục hồi, khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua bằng ngoại tệ khác. Trọng tâm của thị trường tài chính tiền tệ hiện là báo cáo bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ, dự kiến được công bố vào ngày 6.8. Nhưng khảo sát việc làm của công ty phân tích ADP cho thấy nền kinh tế Mỹ có thêm 330.000 việc làm tư nhân trong tháng 7, thấp hơn nhiều so với dự báo 653.000 của các nhà kinh tế.
Thị trường vàng khó xác định phương hướng trước khi báo cáo việc làm được công bố, nhưng nếu lợi suất trái phiếu Mỹ tiếp đà giảm, nó có thể hỗ trợ vàng trở lại mốc 1.835 USD/ounce, theo chuyên gia phân tích thị trường Michael Hewson của CMC Markets. Theo ông Hewson, nếu vàng có thể vượt qua ngưỡng kháng cự 1.835 USD/ounce thì kim loại quý có thể hướng tới ngưỡng 1.870 USD/ounce. Còn theo chuyên gia phân tích thị trường cấp cao Jeffrey Halley của ONADA, vàng đang trong chế độ chờ đợi và quan sát...
Bình luận (0)