Kết thúc phiên 9.11 (rạng sáng 10.11, theo giờ Việt Nam), hợp đồng dầu WTI vọt 3,15 USD (tương đương 8,5%) lên 40,29 USD/thùng. Hợp đồng dầu Brent cũng tiến 3,11 USD (tương đương 7,9%) lên 42,56 USD/thùng. Đến sáng 10.11, giá dầu giảm nhẹ, nhưng vẫn giao dịch ở mức cao. Dầu WTI hợp đồng giao tháng 12 sát mốc 40 USD/thùng, dầu Brent giao tháng 1.2021 ở ngưỡng 42 USD/thùng.
Giá dầu tăng vọt lên mức cao nhất trong 6 tháng qua sau khi hãng dược phẩm Pfizer công bố kết quả khả quan về thử nghiệm vắc-xin ngừa Covid-19. Theo đó, vắc-xin thử nghiệm của hãng đạt tỷ lệ phòng Covid-19 hơn 90%. Thông tin này đã khiến thị trường dầu thô “dậy sóng”, hy vọng dịch bệnh Covid-19 sẽ bị đẩy lùi sớm trong năm nay khiến thị trường nhiên liệu khởi sắc. Các nhà phân tích trên MartketWatch nhận xét, giá dầu có phản ứng đặc biệt mạnh sau thông tin về vắc-xin. Nếu dịch bệnh được khống chế và giảm sút, giao thông sẽ hồi phục và nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng vọt.
Trong khi đó, Bộ trưởng năng lượng Ả Rập Xê Út cho biết thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC+ có thể được điều chỉnh nếu có sự đồng thuận của các thành viên trong nhóm, qua đó làm tăng triển vọng nguồn cung và giá dầu sẽ tăng hơn. OPEC+ hiện đang cắt giảm 7,7 triệu thùng/ngày và mức cắt giảm mà nhóm đang cân nhắc là chỉ giảm 5,7 triệu thùng/ngày từ tháng 1.2021. Bên cạnh đó, các thành viên chủ chốt của OPEC cũng tỏ ra cảnh giác với việc Tổng thống Mỹ mới đắc cử Joe Biden sẽ nới lỏng các biện pháp trừng phạt Iran và Venezuela, điều này đồng nghĩa với việc sản lượng dầu sẽ tăng trong năm tới.
Ở trong nước, giá xăng dầu bán lẻ vẫn giữ nguyên mức đã được điều chỉnh từ ngày 27.10. Theo chu kỳ, ngày mai (11.11) sẽ đến kỳ hạn điều chỉnh giá xăng dầu của liên bộ. Ngày 10.11, giá bán lẻ xăng E5 RON92 14.109 đồng/lít, xăng RON95 14.940 đồng/lít, dầu diesel 11.218 đồng/lít, dầu hỏa 9.717 đồng/lít, dầu ma zút 11.261 đồng/kg.
Bình luận (0)