Ngày 17.3, các hợp đồng dầu thô tiếp tục đi xuống. Dầu thô ngọt nhẹ WTI giao dịch ngưỡng 64,7 USD/thùng, dầu Brent ở mức 68,3 USD/thùng. Kết thúc phiên giao dịch khuya 16.3, cả hai hợp đồng này đều giảm, phiên giảm thứ 3 liên tiếp.
Theo Reuters, sau thông tin có người tử vong sau khi tiêm vắc xin AstraZeneca ngừa Covid-19, các nước Đan Mạch, Na Uy, Iceland ngay lập tức cho ngừng dùng vắc xin này để điều tra kỹ. Kế đó, Đức, Pháp và Ý cũng có kế hoạch ngừng tiêm vắc xin Covid-19 của AstraZeneca sau khi có các báo cáo về những tác dụng phụ nghiêm trọng có thể xảy ra, cho dù Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết các trường hợp tử vong không có mối liên hệ nào với vắc xin này. Sự cố này khiến tiến độ tiêm vắc xin ngừa dịch tại EU chậm lại, nâng cao lo ngại khả năng phục hồi kinh tế chậm hơn nữa so với dự tính. Bên cạnh đó, lại có thông tin làn sóng Covid-19 thứ 3 đang ập đến nhiều nước tại khu vực EU như Đức, Pháp, Ý, Ba Lan… vào mùa thu tới.
Giá dầu đã phục hồi lên mức 70 USD/thùng sau loạt thông tin tích cực về thị trường và nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, từ đầu tuần đến nay, thị trường lại tiếp tục chao đảo bởi những lo ngại liên quan vắc xin ngừa dịch và lạm phát tại nhiều nước trên thế giới. Tại Mỹ, dự trữ dầu thô tuần trước đã vọt 12,8 triệu thùng, cao hơn rất nhiều so với dự báo tăng gần 1 triệu thùng từ các nhà phân tích.
Ở trong nước, giá xăng dầu thế giới trong mấy tháng gần đây tăng liên tục khiến chi quỹ bình ổn giá cũng tăng mạnh. Chỉ riêng Tập đoàn xăng dầu Việt Nam vào cuối năm 2020, tồn quỹ còn 3.661 tỉ đồng, nhưng đến ngày 12.3, chỉ còn 2.400 tỉ đồng. Như vậy, chỉ sau hơn 2 tháng, quỹ bình ổn của Tập đoàn này giảm đến 1.200 tỉ đồng. Ngày 17.3, theo niêm yết giá bán lẻ xăng dầu của Petrolimex, xăng E5 RON92 17.722 đồng/lít; xăng RON95 18.881 đồng/lít; dầu diesel 14.401 đồng/lít; dầu hỏa 13.173 đồng/lít; dầu mazut 13.769 đồng/kg…
Bình luận (0)