Ngày 28.9, cả hai hợp đồng dầu lùi nhẹ trong phiên song vẫn giữ mức cao nhất trong vòng 3 năm qua, dầu WTI giao dịch ở ngưỡng 75,3 USD/thùng, dầu Brent ở ngưỡng 79,3 USD/thùng. Kết thúc phiên khuya 27.9, cả hai hợp đồng tăng khoảng 2%. Theo đó, dầu WTI tiến 1,45 USD lên 75,45 USD/thùng; dầu Brent tiến 1,44 USD lên 79,53 USD/thùng.
Các dự báo đều cho thấy, giá dầu thế giới đang đặt tham vọng đến cột mốc 80 USD/thùng do nguồn cung tiếp tục giảm đồng loạt trên tất cả các khu vực. Dự trữ tại Mỹ giảm, nguồn cung dầu tại Vịnh Mexico đang được phục hồi với tốc độ chậm. Các thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) cũng gặp khó trong việc gia tăng sản lượng do ảnh hưởng đại dịch. Nhiều tính toán cho thấy, sự bổ sung nguồn cung dầu thô từ OPEC+ là không đủ bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung trên thị trường. Đáng lo ngại hơn khi hoạt động khai thác dầu tại khu vực đông bán cầu được dự báo gặp khó khăn khi mùa đông đang đến.
Trong khi đó, tiêu thụ tại các thị trường lớn lại tăng. Nhập khẩu dầu của Ấn Độ tăng lên mức cao nhất trong 3 tháng qua khi các nhà máy lọc dầu tại quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn thứ 2 thế giới này hoạt động trở lại với dự báo nhu cầu tăng cao hơn; PetroChina và Hengli Petrochemical tại Trung Quốc mới đây cũng mua 4 chuyến hàng với tổng trị giá khoảng 4,43 triệu thùng.
Trong nước, ngày 28.9, giá xăng dầu sau khi được Liên bộ điều chỉnh tăng vào cuối tuần qua, giá bán lẻ phổ biến trên thị trường như sau: E5 RON92 20.716 đồng/lít, xăng RON95 21.945 đồng/lít, dầu diesel 16.586 đồng/lít, dầu hỏa 15.643 đồng/lít, dầu mazut 16.580 đồng/kg.
Bình luận (0)