Đầu giờ sáng nay (15.6, theo giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 7 mất gần 1 USD, tương đương 2,7%, xuống 35,3 USD/thùng. Dầu Brent hợp đồng tháng 8 mất 0,87 USD, tương đương 2,25%, xuống 37,86 USD/thùng.
Việc giá dầu thế giới tiếp tục giảm mạnh ngày đầu tuần được lý giải do các nhà đầu tư đang “tạm dừng các hoạt động mua bán” vì có thông tin Tổ chức các nhà sản xuất đầu mỏ và đồng minh (OPEC+) sẽ họp bất thường tiếp trong thời gian tới. Kế đến, số ca nhiễm Covid-19 tại Mỹ tăng vọt và thông tin mới nhất là một ổ dịch mới tại Bắc Kinh (Trung Quốc) mới bùng phát vào cuối tuần qua khiến thị trường xăng dầu thế giới trở nên “nhạy cảm hơn bao giờ hết”.
Tại Trung Quốc, sau khi tuyến bố chống dịch thành công vào cuối tháng 3 và phần lớn các hoạt động kinh tế du lịch trong nước đã khởi động trở lại, ngày 13.6 vừa qua, đất nước này đã phát hiện ổ dịch Covid-19 mới tại khu chợ nông sản lớn ở thủ đô Bắc Kinh. Cùng lúc, tại Hàn Quốc cũng ghi nhận 34 ca nhiễm mới, 30 trường hợp trong số đó được phát hiện tại thủ đô Seoul. Còn tại Nhật Bản, các ca mới được phát hiện tại những khu vui chơi giải trí ở thủ đô Tokyo.
Trên Reuters, các nhà phân tích thị trường cho rằng số bệnh nhân nhiễm Covid-19 tăng khẳng định sức ảnh hưởng của cơn đại dịch này với nền kinh tế thế giới. Tuần trước, Fed dự báo suy giảm kinh tế Mỹ năm 2020 sẽ ở mức 6,5%, tỷ lệ thất nghiệp là 9,3% và dịch Covid-19 sẽ tiếp tục tác động nặng nề tới tăng trưởng, lạm phát và việc làm của Mỹ trong thời gian tới. Ngoài ra, tồn kho dầu tại Mỹ tăng mạnh thêm 5,7 triệu thùng theo số liệu báo cáo từ Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) công bố tuần trước, lên mức kỷ lục 538,1 triệu thùng.
Ở trong nước, theo bảng giá bán lẻ xăng dầu của Petrolimex ngày 15.6, sau khi tăng gần 1.000 đồng vào tuần trước, giá xăng E5RON92 13.390 đồng/lít; xăng RON95 14.080 đồng/lít; dầu diesel 11.515 đồng/lít; dầu hỏa 9.610 đồng/lít.
Bình luận (0)