Giảm giá, nợ xấu vẫn ế

Thanh Xuân
Thanh Xuân
11/04/2019 07:47 GMT+7

Các khoản nợ xấu liên quan đến các chủ đầu tư bất động sản được đem ra bán, nhưng người có tiền cũng không dám tham gia.

Không có người tham gia

Theo số liệu của NHNN tại báo cáo tổng kết năm 2018, tính đến tháng 12.2018, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 183.000 trên 568.000 tỉ đồng nợ xấu, đạt trên 32,22% tổng nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng VN. Ngoài ra, các đơn vị đã sử dụng 83.600 tỉ đồng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nội bảng
Trong năm 2018, sau khi Ngân hàng (NH) BIDV công bố bán khoản nợ hơn 232 tỉ đồng của Công ty địa ốc Gia Phú (chủ đầu tư chung cư Gia Phú, Q.Thủ Đức, TP.HCM), người dân sống trong chung cư này đã phản ứng khá mạnh. Để trấn an người dân, đại diện BIDV cho biết NH không xử lý theo phương thức "bán tài sản chung cư" mà đang tiến hành các thủ tục để bán đấu giá toàn bộ khoản nợ của Công ty Gia Phú.
Một số khoản nợ xấu thời gian qua giảm giá khá mạnh nhưng vẫn ế. Khoản nợ xấu của Công ty CP Thuận Thảo Nam Sài Gòn và 95 khách hàng cá nhân liên quan (gọi chung là Công ty Thuận Thảo) liên tục được đem ra đấu giá tới 10 lần, mức giá giảm gần 37% so với giá ban đầu nhưng vẫn ế.
Sau 2 lần hoãn đấu giá, số phận của khoản nợ xấu đầu tiên mà Công ty TNHH MTV quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng VN (VAMC) thu hồi là dự án Saigon One Tower tại TP.HCM đến nay trên thị trường khá “yên ắng”. Cụ thể, tháng 7.2017, VAMC thực hiện thu giữ tài sản khoản nợ đầu tiên là dự án Saigon One Tower. Chủ dự án này vay với vốn gốc lẫn lãi đến thời điểm bị VAMC thu hồi là trên 7.000 tỉ đồng. Giá khởi điểm trong phiên đầu tiên được đưa ra cho khoản nợ là 6.110 tỉ đồng. Trao đổi với chúng tôi chiều 10.4, ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC, cho biết VAMC đã bàn giao lại tài sản khoản nợ cho phía NH xử lý.
Thế là sau nhiều lần ồn ào bán đấu giá, dự án Saigon One Tower, khoản nợ xấu đầu tiên VAMC thu hồi đã được hoàn chủ.

Mua nợ xong phải đi đòi hoặc kiện ra tòa

Ông Nguyễn Chí Hiếu, Giám đốc Công ty CP bán đấu giá Lam Sơn (đơn vị thực hiện tổ chức đấu giá khoản nợ Công ty Thuận Thảo), cho biết có những khoản nợ dù tổ chức đấu giá nhiều lần nhưng không có khách hàng đăng ký tham gia, đây là loại hình khá kén khách. Đấu giá bán khoản nợ xấu khá đặc thù, không giống bán đấu giá tài sản. Người mua khoản nợ được chuyển quyền đòi nợ từ NH và phải đi đòi khoản nợ dưới hình thức thỏa thuận với “con nợ”, nếu không đòi được thì kiện ra tòa.
Chưa kể, giá khoản nợ được xem là tốt hay không ngoài việc dựa trên tài sản đảm bảo cho khoản nợ, người mua nợ còn phải xem xét có đòi được hay không. Vì bỏ ra cả trăm tỉ, ngàn tỉ đồng mà không có quyền quyết định tài sản, còn phải kéo nhau ra tòa đòi nợ mất thêm nhiều năm thì người mua không mấy mặn mà. Đó là lý do dù đã được tháo bằng cơ chế, dù liên tục bán đấu giá, thậm chí liên tục giảm giá nhưng nhiều khoản nợ xấu vẫn ế. Ông Nguyễn Chí Hiếu cho rằng quyền lợi của người mua cần được làm rõ và được hỗ trợ thì họ mới tham gia tích cực hơn.
Một trong những vấn đề vướng mắc khi thực hiện xử lý nợ xấu được đề cập tại đề cương kiểm toán chuyên đề việc triển khai thực hiện Nghị quyết 42 của Kiểm toán Nhà nước vừa công bố, đó là việc thực hiện thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý và nộp thuế chuyển nhượng tài sản đảm bảo. Bộ Tài chính chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể việc thực hiện thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản đảm bảo và nghĩa vụ nộp thuế khi chuyển nhượng tài sản đảm bảo. Do đó không thực hiện được thủ tục sang tên cho người mua tài sản nếu chưa nộp đủ các loại thuế. Trường hợp cá nhân không hoàn thành nghĩa vụ thuế thì bên nhận chuyển nhượng bất động sản cũng không thực hiện được việc sang tên, đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu bất động sản.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.