Giảm mạnh thủ tục kiểm tra chuyên ngành

23/01/2018 07:01 GMT+7

Chiều 22.1, cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại VN và Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng đã có buổi đối thoại về chính sách.

Tại buổi đối thoại, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng, cho hay nghị định sửa đổi Nghị định 38 về kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu dự kiến sẽ được Thủ tướng ký ngày 2.2 tới tại phiên họp thường kỳ Chính phủ.
Chỉ kiểm tra 5%
“Theo đó, chỉ kiểm tra 5% số lô hàng xuất nhập khẩu và áp dụng phân luồng xanh, luồng vàng, đánh giá sự chấp hành của doanh nghiệp (DN) một cách công khai. Như vậy, có thể giảm 90 - 95% số thủ tục cho DN. Sẽ không còn tình trạng hải quan kiểm tra hàng hóa rồi nhưng phải chờ bộ chuyên ngành đánh giá chất lượng xong mới cho thông quan”, ông Dũng nói và cho hay nghị định mới sẽ “thay đổi khá toàn diện các thủ tục kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu”. Các DN sẽ được tự công bố hợp quy, hợp chuẩn. Kết quả của các tổ chức đánh giá chất lượng sản phẩm trong và ngoài nước cũng sẽ được công nhận lẫn nhau. Không còn tình trạng một sản phẩm chịu sự kiểm tra của nhiều bộ ngành.
Đại diện nhóm các công ty thực phẩm dinh dưỡng của Phòng Thương mại - Công nghiệp châu Âu tại VN (EuroCham) đã bình luận rằng “nếu nghị định sửa đổi đúng như lời Bộ trưởng nói thì đó là cuộc cách mạng, tạo ra môi trường cực kỳ thông thoáng cho DN” và mong muốn nghị định sớm có hiệu lực. “Đây là nghị định được thực hiện theo quy trình rút gọn nên sẽ có hiệu lực lập tức từ ngày ký”, ông Dũng nói.
Kiến nghị xem xét nghị định hướng dẫn thi hành luật dược
Bên cạnh đó, tại buổi đối thoại, một nội dung khác được nhiều DN châu Âu phàn nàn nữa là các quy định tại Nghị định 54 hướng dẫn thi hành luật Dược. Bà Geraldine Dufresne, Tiểu ban Dược phẩm (EuroCham), dẫn chứng Nghị định 54 đã mở rộng định nghĩa phân phối, bao gồm các hoạt động của chuỗi cung ứng thông thường như dịch vụ kho bãi và vận tải, mà theo truyền thống trước đây vốn không thuộc định nghĩa phân phối theo cả luật VN và quốc tế. “Điều này dẫn tới hệ thống cơ sở hạ tầng chất lượng cao đã được đầu tư sẽ không được sử dụng và làm ảnh hưởng tới chất lượng, khả năng đáp ứng của chuỗi cung ứng dược phẩm”, bà Geraldine Dufresne lo ngại.
Tương tự, ông Ngô Văn Huy, Phó tiểu ban Thuốc, cũng cho biết theo Nghị định 54, thì các văn phòng đại diện của công ty nước ngoài không còn được tổ chức giới thiệu thuốc. “Trước đây, chúng tôi có các hội thảo y học để hỗ trợ thông tin thuốc mới cho bác sĩ VN, nhằm cảnh báo các tác dụng phụ có thể xảy ra với người bệnh. Những hoạt động này đã hỗ trợ nhiều về chuyên môn nên rất mong được hướng dẫn thêm”, ông Huy kiến nghị.
Trả lời thắc mắc của DN, ông Nguyễn Văn Đông, Phó cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), cho biết sở dĩ văn phòng đại diện không được duy trì hoạt động này là do triển khai thi hành luật Thương mại 2016 chứ không phải luật Dược. Theo đó, luật Thương mại quy định rõ văn phòng đại diện không phải là đơn vị kinh doanh nên không có quyền này.
Về vấn đề quyền cung cấp dịch vụ kho bãi, theo ông Đông, các DN được cấp giấy phép kinh doanh trước khi luật Dược có hiệu lực thì được duy trì đến hết thời gian ghi trong giấy phép rồi sẽ chuyển đổi. Ông Đông cũng cho hay điều này không trái với cam kết của VN khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới hay Hiệp định Thương mại tự do với châu Âu sắp có hiệu lực. “Cam kết của chúng tôi về dịch vụ kho bãi và vận tải phụ trợ thì không bao gồm dược phẩm”, ông Đông nói.
Thừa nhận thực tế nhiều DN FDI đầu tư vào lĩnh vực kho bãi, vận chuyển, phân phối thuốc nên Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết sẽ tập hợp các kiến nghị trong lĩnh vực này và những bức xúc về Nghị định 54 để báo cáo riêng cho Thủ tướng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.