Gian lận thương mại tránh thuế gia tăng

Thanh Xuân
Thanh Xuân
23/11/2018 15:07 GMT+7

Điều này không chỉ là nguy cơ mà đã trở thành hiện thực tại Việt Nam khi làn sóng chuyển dịch vốn của doanh nghiệp Trung Quốc để tránh ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc.

Thông tin này được các chuyên gia phát biểu tại hội thảo “Chiến tranh thương mại: Tương lai của doanh nghiệp sản xuất?” do Thời báo Kinh tế Sài Gòn phối hợp cùng Công ty TNHH Bluescope Steel Việt Nam tổ chức ngày 23.11.
Xung đột chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc đang tiếp tục leo thang căng thẳng trong thời gian gần đây và chưa cho thấy các dấu hiệu nhượng bộ của các bên. Trong vòng hơn 3 tháng vừa qua, hai bên đã liên tiếp triển khai 3 gói áp thuế vào hàng hóa nhập khẩu của nhau và nâng quy mô áp thuế của các bên lên tới 360 tỉ USD với mức áp thuế bổ sung từ 5 - 25%. Mỹ tuyên bố sẽ tiếp tục gia tăng mức độ áp thuế lên 25% vào ngày 1.1.2019 đối với nhóm hàng hóa trị giá 200 tỉ USD đã bị áp thuế 10% vào ngày 24.9.2018 và xem xét mở rộng áp thuế lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc nếu phía Trung Quốc không thực hiện các yêu cầu của phía Mỹ.
Quy mô áp thuế đối với lượng hàng hóa trị giá 50 tỉ USD của mỗi nước tác động tới Việt Nam tương đối nhỏ nhưng trong tương lai khi chiến tranh thương mại leo thang, phạm vi thuế quan mở rộng thì tác động tới kinh tế Việt Nam trở nên khá lớn, nhưng theo hướng có lợi cho Việt Nam nhiều hơn bởi nước ta có thể thay thế một phần đáng kể lưu lượng thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Thế nhưng bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc trung tâm WTO và hội nhập, VCCI Việt Nam cho rằng doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị cạnh tranh nhiều hơn ở các thị trường khác khi Trung Quốc giảm bán hàng vào thị trường Mỹ và chuyển hướng sang các thị trường khác. Việc cạnh tranh ở thị trường trong nước cũng sẽ ngày càng căng thẳng hơn do hàng hóa Trung Quốc có khả năng cao sẽ đổ bộ mạnh vào Việt Nam. Chưa kể hàng hóa xuất sang thị trường Trung Quốc của doanh nghiệp Việt cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi chính hàng hóa nội địa sẽ nhiều hơn. Bà Trang lưu ý việc chuyển dịch dòng vốn sẽ chịu nguy cơ “chuyển dịch giả mạo”, “gian lận thương mại” do Trung Quốc “mượn” thị trường để tránh thuế.
Việc Trung Quốc “mượn” thị trường Việt Nam để tránh thuế không còn là nguy cơ mà đã trở thành hiện thực. Làn sóng dịch chuyển đầu tư sản xuất vào thị trường Việt Nam trong đó có ngành nhựa của các DN Trung Quốc, theo ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Nhựa Rạng Đông đang diễn ra nhằm giảm chi phí lao động đang tăng cao của Trung Quốc. Công nhân ngành nhựa hưởng lợi từ tăng lương, người tiêu dùng tiếp cận hàng có giá rẻ do doanh nghiệp Trung Quốc giảm giá để đẩy lượng tồn kho. Doanh nghiệp nhựa trong nước sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi phải cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp Trung Quốc, khi họ gia tăng đầu tư để mượn nhãn mác Việt Nam, nhằm tránh đòn thuế của phía Hoa Kỳ. Ông Lam cho rằng Chính phủ cần xem xét việc đánh thuế nhập khẩu nếu có dấu hiệu bán phá giá, đồng thời không cấp giấy phép đầu tư – giấy phép đăng ký kinh doanh cho những dự án sản xuất không đảm bảo thực hiện hơn 2/3 chuỗi qui trình sản xuất tại Việt Nam. Ngoài ra chính phủ cũng nên thúc đẩy các hiệp ước tự do thương mại kiểu mới với châu Âu và các nước khác, đó cũng là cách giảm thiểu rủi ro - khi mà nền kinh tế Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào hai thị trường Mỹ và Trung Quốc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.