Hàng gian, giả bị phát hiện rồi 'chìm xuồng'?

30/07/2018 07:34 GMT+7

Liên tiếp nhiều thương hiệu lớn bị phát hiện mập mờ xuất xứ, nguồn gốc sản phẩm nhưng không được giải quyết tới nơi tới chốn khiến hàng gian, giả, lậu ngày càng lộng hành.

Sau gần 2 tuần kể từ khi có khách hàng phản ánh về việc Công ty cổ phần Con Cưng có dấu hiệu mập mờ, gian lận nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, dù cơ quan chức năng đã vào cuộc rốt ráo, nhưng mọi việc ngày càng... rối như tơ vò.
Quản lý thị trường và DN... đấu nhau?
Sau khi kiểm tra, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM công bố đã tạm giữ hơn 5.500 sản phẩm với tổng giá trị gần 500 triệu đồng tại 3 cửa hàng trên vì phát hiện có dấu hiệu vi phạm quy định về nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm và phía công ty chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc hàng hóa. Ngay trong 2 ngày kiểm tra tiếp theo, đơn vị này cũng đã phát hiện loạt dấu hiệu sai phạm tương tự tại hơn 70 cửa hàng thuộc chuỗi, tạm giữ khoảng 10.000 sản phẩm.
Không mất nhiều thời gian để biết được các sản phẩm đó có phải hàng chính hãng không, hay là hàng nhập lậu hoặc nhập hàng giả về thay tem gắn mác. Vậy mà mất cả hơn 1 tuần trời, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM vẫn không đưa ra được kết luận
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Hội Trọng tài thương mại TP.HCM

Nhưng cũng ngay sau đó, phía Con Cưng đã phát đi thông báo, “trưng” loạt giấy tờ, thư xác nhận “đáp trả” tất cả những dấu hiệu vi phạm mà cơ quan chức năng đã nêu ra trước đó. Đặc biệt, khi người tiêu dùng còn đang hoang mang chưa biết bên nào đúng, bên nào sai, Con Cưng đưa ra tuyên bố tặng 1 tỉ đồng cho người đầu tiên phát hiện công ty nhập hàng không chính hãng.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Hội Trọng tài thương mại TP.HCM (HCCAA), đánh giá đây là một động thái mang ý nghĩa thách thức pháp luật. Trong khi chính các cơ quan thuộc Bộ Công thương, Chi cục Quản lý thị trường TP đang thực hiện nghĩa vụ thanh, kiểm tra thì doanh nghiệp (DN) lại hùng hồn tuyên bố treo thưởng 1 tỉ đồng cho ai phát hiện sai phạm. Điều này khiến tất cả mọi người nghĩ đến một cuộc đấu đá qua lại, như trò trẻ con, thay vì sự vào cuộc nghiêm túc của cơ quan chức năng đối với một DN đang có những dấu hiệu vi phạm khá rõ ràng.
Tuy nhiên, luật sư Hậu cũng cho rằng Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM xử lý sự việc chậm và lúng túng. Về mặt pháp lý, loạt dấu hiệu sai phạm từ sản phẩm mà cơ quan chức năng thu được đã khá rõ ràng. Vấn đề so sánh, kiểm tra, đối chiếu với các giấy tờ, hồ sơ gốc (trong trường hợp DN đưa ra được) không hề khó.
“Không mất nhiều thời gian để biết được các sản phẩm đó có phải hàng chính hãng không, hay là hàng nhập lậu hoặc nhập hàng giả về thay tem gắn mác. Vậy mà mất cả hơn 1 tuần, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM vẫn không đưa ra được kết luận”, ông Hậu nói.
Cũng theo ông, trong trường hợp cơ quan này không có đủ năng lực để so sánh đối chiếu hay thẩm định chứng từ có phải giả mạo hay không, thì phải lập tức chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra, những đơn vị có đầy đủ nghiệp vụ, chuyên môn. “Đây là một thương hiệu lớn, mạng lưới chi nhánh phủ khắp từ bắc chí nam và những sản phẩm này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của trẻ em và phụ nữ mang thai - những đối tượng cần được bảo vệ nhiều nhất. Toàn xã hội đang hoang mang, trông chờ vào một kết luận rõ ràng để quyết định có chọn tin dùng sản phẩm nữa hay không. Nếu DN không có lỗi thì cũng cần phải nhanh chóng có công bố làm sáng tỏ để lấy lại uy tín cho thương hiệu. Việc chậm trễ thể hiện cách làm không chuyên nghiệp, vào cuộc ráo riết nhưng kết luận thì chờ mòn mỏi”, luật sư Hậu nêu ý kiến.
Xử không nghiêm, DN nhờn luật
Không chỉ Con Cưng, đã có rất nhiều thương hiệu nổi tiếng bị khách hàng tố giác, truyền thông lên tiếng tố cáo hành vi gian lận thương mại, cơ quan chức năng vào cuộc nhanh chóng, mạnh mẽ nhưng kết quả cũng không đi tới đâu.
Minh chứng rõ nhất là cuối năm 2017, khi vụ việc “ông trùm lụa Việt” Hoàng Khải lừa dối người tiêu dùng, nhập khăn lụa Trung Quốc về gắn mác hãng Việt, bán với giá trên trời gây chấn động, Bộ Công thương đã ngay lập tức vào cuộc điều tra, kết luận DN sai phạm nghiêm trọng, chuyển hồ sơ, vật chứng cho cơ quan cảnh sát điều tra xử lý theo quy định đối với các dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Tuy nhiên, đến giờ xử lý như thế nào không ai biết. Ngay cả “người trong cuộc”, một cán bộ thuộc Cục Quản lý thị trường khi được hỏi cũng lắc đầu.
Hay tại thời điểm này, sau khi nhận được kết luận từ Bộ Công thương xác định vi phạm pháp luật về cung cấp thông tin cho người tiêu dùng, vi phạm pháp luật cạnh tranh, về ghi nhãn hàng hóa, công bố sản phẩm, thương mại điện tử và hàng loạt vi phạm thương mại, mập mờ xuất xứ..., thì thương hiệu Mumuso vẫn buôn bán bình thường. Cơ quan chức năng cũng chưa công bố hình thức xử lý vi phạm rõ ràng.
Luật sư Phan Thị Việt Thu, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM, cho rằng lực lượng chức năng giải quyết không nghiêm, không làm tới nơi tới chốn. Điều này khiến các DN làm ăn chộp giựt có tâm lý nhờn, coi thường pháp luật, tiếp tục tái diễn những vi phạm. Không chỉ cơ quan quản lý “dễ dãi”, người tiêu dùng VN cũng quá hời hợt, dễ quên. Khi sự việc xảy ra thì ồ ạt lên tiếng dữ dội nhưng chỉ cần bẵng đi một thời gian là lãng quên. “Ở các nước khác, người tiêu dùng rất quyết liệt, họ yêu cầu nhà nước phải công bố rõ ràng cách xử lý, ngăn chặn tái diễn của các hành vi lừa dối, gian lận thương mại, ảnh hưởng quyền lợi của họ. Mặt trận chống hàng gian, hàng nhái, hàng giả là trách nhiệm của toàn xã hội, cần sự phối hợp, vào cuộc của cả cơ quan quản lý quyết liệt và người tiêu dùng mạnh mẽ”, bà nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.