Sáng 19.10, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) và Báo Công thương tổ chức Hội thảo “Thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam: Nguy cơ, thách thức và giải pháp”.
Thuốc giả có ngay tại trung tâm Hà Nội
|
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) kể lại cách đây hơn một tuần, có người bạn mua thuốc kháng sinh cho con uống. Sau khi uống được 1 viên, người bạn là bác sĩ phát hiệN thuốc này không có dạng viên. "Rõ ràng đây là thuốc giả. Ngay tại Hà Nội, ở quận Hoàn Kiếm mà vẫn bị mua phải thuốc giả thì quá nguy hiểm. Nếu không phát hiện kịp thời thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra”, ông Trần Hữu Linh nói.
tin liên quan
Hàng giả phủ từ chợ vùng sâu đến siêu thị cao cấpĐại diện tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho biết riêng về phân bón, nhiều công ty lớn, quản trị tốt sản xuất phân NPK vẫn chỉ đạt lợi nhuận trước thuế 5%/doanh số, còn lại chỉ từ 2-2,5%, rất thấp. Nhưng nếu làm phân bón kém chất lượng thì siêu lợi nhuận. Ví dụ loại phân NPK 513 theo tên gọi có hàm lượng dinh dưỡng cao. Tuy nhiên nhiều cở sở sản xuất đăng ký NPK 513 là tên gọi phân bón với thành phần dinh dưỡng thấp hơn nhiều. Cách này để lách quy định về nhãn hiệu hàng hóa nhưng lại thu lợi lớn. Các đơn vị phân phối dù biết đó là hàng nhái, hàng giả nhưng lợi nhuận cao hơn nên vẫn đưa ra bán cho người nông dân. Tình trạng này vẫn tồn tại khắp nơi.
Ông Nguyễn Phương Sơn, Giám đốc đối ngoại Công ty Amway Việt Nam nhận xét, các vụ vi phạm về nhãn hiệu và tên thương mại diễn ra từ sạp hàng rong đến các trang bán hàng qua mạng. Các sạp tự ý in bán các sản phẩm có logo của Amway trong khi các trang thông tin lừa đảo ghi là trang web được thực hiện bởi Amway. Dù công ty đã nỗ lực phối hợp với quản lý thị trường nhưng nhiều vụ vẫn không thể giải quyết dứt điểm. Chẳng hạn từ tháng 3.2016, Amway Việt Nam phát hiện trang www.kiemtan.net bán hàng hóa mang nhãn hiệu Amway không rõ nguồn gốc. Sau nhiều lần yêu cầu chấm dứt, cuối năm 2016, quản lý thị trường Quận Tân Bình cũng đã làm việc với chủ nhà cho thuê địa điểm, dù đã dời đi nhưng đến tận tháng 9.2018 trang web này vẫn đang hoạt động.
Công ty khóa Việt Tiệp cũng liên tục phát hiện và phối hợp quản lý thị trường bắt giữ hàng loạt sản phẩm giả. Mới đây công ty phối hợp Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh bắt đối tượng vận chuyển 3.300 bộ khóa giả đưa từ cửa khẩu về Việt Nam tiêu thụ…
Tăng mức xử phạt
|
Ông Nguyễn Phương Minh- Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học Công nghệ - nhấn mạnh hàng nhái, hàng giả chủ yếu là nhu yếu phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo... với thủ đoạn tinh vi, công nghệ cao khó phát hiện. Đối với hàng khó sản xuất thì các đối tượng thường đặt gia công ở nước ngoài sau đó chuyển về Việt Nam tiêu thụ, bán trà trộn với hàng thật hoặc đưa về vùng sâu, vùng xa... Mặc dù cơ quan quản lý rất quyết liệt trong công tác chống hàng giả nhưng vẫn chưa đủ sức răn đe. Các vụ việc phần lớn vẫn được xử lý hành chính, xử lý hình sự còn hạn chế. Vì vậy ông Minh cho rằng Việt Nam cần thiết lập một thể chế chuyên nghiệp trong hệ thống tòa án để nâng cao hiệu quả xét xử các vụ vi phạm sở hữu trí tuệ.
|
Nhiều doanh nghiệp cũng kiến nghị cần tăng cường công tác kiểm tra, đặc biệt phải hoàn thiện khung pháp lý theo hướng nâng mức xử phạt để tránh tình trạng tái phạm.
Ông Trần Hữu Linh thừa nhận : Gần như sản phẩm nào cũng có hàng nhái hàng giả nhưng việc xử lý, chế tài vẫn còn yếu. Vì vậy phải hoàn thiện khung pháp lý về chế tài và tăng cường kiểm tra xử phạt. Vấn đề nữa là dù nhiều người biết hàng nhái nhưng vẫn mua vì rẻ nên cần tăng cường hoạt động tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân không chấp nhận sử dụng hàng dỏm. Đồng thời hiện nay quản lý thị trường đã được tổ chức lại nên trong thời gian tới với sự chỉ đạo trực tiếp từ Bộ Công thương thì việc cảnh báo sẽ nhanh hơn cũng như sẽ nâng cao chất lượng, trách nhiệm, đạo đức của cán bộ quản lý thị trường.
Năm 2017 và 9 tháng năm 2018, lực lượng quản lý thị trường phát hiện 34.733 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính trên 121,3 tỉ đồng, trị giá hàng vi phạm trên 907 tỉ đồng. Trong đó vi phạm về nhãn hàng hóa nhiều nhất là 26.367 vụ với trị giá hàng vi phạm 845,1 tỉ đồng. Kế tiếp là hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, bao bì với 6.154 vụ vi phạm và trị giá hàng vi phạm trên 46,8 tỉ đồng... Tfrong 9 tháng năm 2018, quản lý thị trường Hà Nội và TP.HCM đã chuyển hồ sơ cho cơ quan Công an điều tra, xử lý 11 vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả. |
Bình luận (0)