Hô hào bắt đáy cổ phiếu Yeah1: Cẩn thận kẻo ‘đứt tay’

Anh Vũ
Anh Vũ
13/03/2019 18:56 GMT+7

Giảm sàn 8 phiên liên tiếp, "bay" mất khoảng 50% giá trị, 3.300 tỉ đồng vốn hoá, nhiều nhà đầu tư trên khắp các diễn đàn đang hô hào bắt đáy cổ phiếu YEG của Yeah1 .

Tăng vốn thần tốc như “Thánh Gióng”

Khép lại phiên giao dịch ngày 13.3, cổ phiếu YEG của Yeah1 giảm sàn phiên thứ 8 liên tiếp, đóng cửa 137.300 đồng/cổ phiếu. 8 phiên với biên độ 7%, YEG mất hơn 50% giá trị. Vốn hoá, theo đó cũng "bốc hơi" mất hơn 3.300 tỉ đồng, so với thời điểm lên sàn vào ngày 26.6 với mức giá 250.000 đồng.
Song, đây chỉ là giọt nước tràn ly, khi trước đó, YEG cũng đã gây ra không ít cú sốc làm mất niềm tin nơi các nhà đầu tư.
Trước khi lên sàn vào ngày 26.6.2018, YEG có 10 lần tăng vốn. Các lần tăng vốn này đều diễn ra khá thần tốc. Phát hành cho các cổ đông và lãnh đạo của công ty với giá trị bằng mệnh giá (10.000 đồng/cổ phiếu). Thậm chí, tại đợt phát hành lần thứ 7 nhằm sáp nhập Công ty cổ phần Công nghệ Đại sứ trẻ, có 10.000 cổ phiếu được "in" ra với giá 0 đồng.
Chính điều này khiến nhiều chuyên gia, nhà đầu tư lo ngại. “Tại sao lại phát hành giá 0 đồng cho cổ đông. Vậy giờ YEG có bán với giá 1.000 đồng thì lãnh đạo, cổ đông đó vẫn có lãi. Liệu có phải là việc tăng vốn không được kiểm soát và lãnh đạo công ty cố tình che giấu, in giấy ra để bán lấy tiền”, một cổ đông trên diễn đàn uy tín về chứng khoán đặt nghi vấn.
Cũng cần phải nhắc lại, trước khi lên sàn, Yeah1 cũng chỉ trang thông tin điện tử www.yeah1.com chuyên cung cấp thông tin giải trí cho giới trẻ, do ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống cùng cộng sự sáng lập. Doanh thu ban đầu của công ty chỉ vỏn vẹn 150 USD cùng xấp xỉ 40 ngàn lượt xem.
Dù sau đó, công ty tăng trưởng khá mạnh với các thương hiệu Yeah1TV, Yeah1 Family… trở thành đối tác đa kênh của YouTube, đạt được 2,4 tỉ lượt xem và doanh thu đạt 19 triệu USD. Song, ở thời điểm lên sàn với việc định giá bằng phương pháp chiết khấu dòng tiền, cơ hội trong tương lai lên tới 300.000 đồng/cổ phiếu, khiến ai cũng phải choáng váng.
Theo bản cáo bạch trước khi lên sàn vào ngày 15.6, Yeah1 tổng hợp phương pháp định giá: thứ nhất theo phương pháp P/E là 250.717 đồng/cổ phiếu, P/B là 256.153 đồng/cổ phiếu, phương pháp chiết khấu dòng tiền FCFF lên tới gần 300.000 đồng/cổ phiếu. Giá bình quân 217.699 đồng/cổ phiếu.
Mức giá này khiến chuyên gia, báo giới lúc đó tốn không ít giấy mực vì quá sốc. Đáng nói, chỉ chưa đầy 1 tuần sau, ngày 23.6.2018, YEG lại nộp báo cáo đính chính bản cáo bạch với giá giảm gần 1/3.
Sự nhiễu loạn giá này khiến nhà đầu tư quay lưng với YEG. Gần như không có một nhà đầu tư nào tham gia mua - bán cổ phiếu YEG, do lo ngại bị thổi lên quá mức.
YEG-giam-san
Một trong những lần tăng vốn của Yeah1 có cả giá 0 đồng Ảnh: Tiêu Phong

“Thổi giá”, tung tin ảo, thiếu minh bạch

Tiếp sau đó, vào ngày 3.3, YEG công bố thông tin về sự cố YouTube. Lãnh đạo YEG tung tin vào thị trường khẳng định, dù chiếm tới 67% tổng doanh thu của Yeah1 Network, nhưng doanh thu từ quản lý kênh của bên thứ ba chỉ đem lại lợi nhuận sau thuế 1 triệu USD, tương đương 25% lợi nhuận sau thuế của Yeah1 Network và 13% lợi nhuận sau thuế của Yeah1.
Tuy nhiên, Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) phân tích, nguồn từ mạng lưới đa kênh đóng góp chính vào doanh thu của Yeah1 Network. Năm 2018, nguồn này đóng góp 67% tổng doanh thu năm 2018. Cụ thể là 19,28 triệu USD, tương đương 461,7 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 3,94 triệu USD (91,8 tỉ đồng), tăng gần 100%.
Do đó, kịch bản xấu nhất là đàm phán thất bại thì Yeah1 Network, ScaleLab và SpringMe sẽ không còn là đối tác đa kênh của YouTube và lợi nhuận của Yeah1 có thể mất 83%.
Sự thiếu minh bạch thông tin của Yeah1 làm nản lòng, mất niềm tin trầm trọng nơi các nhà đầu tư. YEG bị quay lưng lần thứ 2, giá giảm sàn 8 phiên.
Ngày 12.3, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty này, thông báo đã mua xong 100.000 cổ phiếu YEG - một theo phương thức khớp lệnh. Sau giao dịch, ông Tống sở hữu 11,4 triệu cổ phiếu YEG.
Từ ngày 14.3 đến 12.4, thành viên HĐQT Hồ Đức Trung cũng đăng ký mua 200.000 cổ phiếu. Trước đó, Yeah1 cũng thông qua phương án mua lại 600.000 cổ phiếu theo nguyên tắc giá thị trường.
Hành động đó cũng không đủ để đỡ giá, kết phiên giao dịch ngày 13.3, 2 triệu cổ phiếu chất đầy giá sàn nhưng vẫn không có ai mua.
Với cổ phiếu của Yeah1, nhà đầu tư cần phải hết sức cẩn trọng, xem xét thật kỹ tránh rủi ro. Bắt cổ phiếu đang rơi vì khủng hoảng, lãnh đạo thiếu minh bạch rất có thể sẽ bắt nhầm 1 con dao, và đứt tay bất cứ lúc nào”, chuyên gia tài chính, PGS - TS Ngô Trí Long cảnh báo.
Thành lập vào năm 2006, Công ty Cổ phần Tập đoàn Yeah1 (YEG) khởi đầu là trang thông tin điện tử www.yeah1.com chuyên cung cấp thông tin giải trí cho giới trẻ, do ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống cùng cộng sự sáng lập. Doanh thu ban đầu của công ty chỉ vỏn vẹn 150 USD cùng xấp xỉ 40.000 lượt xem.
Năm 2008, công ty này thành lập Yeah1TV, một kênh truyền hình chuyên cung cấp thông tin giải trí được phát trên toàn quốc.
Năm 2010, mở thêm 2 kênh mới là Yeah1Family hướng tới đối tượng là các hộ gia đình trẻ Việt Nam và kênh iMovieTV phát sóng các bộ phim chất lượng cao cho giới trẻ.
Năm 2015, Yeah1 trở thành đối tác đa kênh của YouTube.
Năm 2017, trở thành đối tác duy nhất của Google tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á thông qua Công ty con Netlink, cung cấp dịch vụ quảng cáo trực tuyến cho hơn 600 trang website toàn thế giới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.