Hóa đơn điện tử hạn chế nạn né thuế

20/10/2018 10:47 GMT+7

Kể từ 1.11 tới, một loạt doanh nghiệp sẽ phải thay đổi hóa đơn giấy bằng hóa đơn điện tử .

Đây có thể xem như là cơ hội để tiết kiệm chi phí, thay đổi quy cách kinh doanh lạc hậu sang công nghệ hiện đại, và đặc biệt hạn chế được tình trạng doanh nghiệp núp bóng hộ kinh doanh cá thể để né thuế.
Tuy nhiên, cũng còn không ít ý kiến băn khoăn, lo ngại về cách thức thực hiện, tính bảo mật và an toàn thông tin của loại hình mới này.
Bà con không cần quá sợ hãi
Theo Nghị định 119/2018/NĐ-CP về hóa đơn điện tử khi mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ vừa được Chính phủ ban hành, đến năm 2020, sẽ có khoảng 90% doanh nghiệp (DN), tương đương khoảng 500.000 đơn vị bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT).
Hóa đơn điện tử sẽ dần thay thế toàn bộ hóa đơn giấy vào năm 2020  	  Ảnh: Ngọc Thắng, đồ họa: hồng sơn
Hóa đơn điện tử sẽ dần thay thế toàn bộ hóa đơn giấy vào năm 2020 Ảnh: Ngọc Thắng, Đồ họa: Hồng Sơn

Trước đó, sẽ có một loạt DN nằm trong diện bắt buộc và phải áp dụng sớm loại hình hóa đơn mới này. Cụ thể, kể từ 1.11.2018, các DN kinh doanh ở các lĩnh vực: điện lực; xăng dầu; bưu chính viễn thông; vận tải hàng không, đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy; nước sạch; tài chính tín dụng; bảo hiểm; y tế; kinh doanh thương mại điện tử; kinh doanh siêu thị; thương mại tiên phong chính thức áp dụng.
Ngoài ra, các DN, tổ chức kinh tế đang hoạt động có đủ 3 điều kiện dưới đây cũng nằm trong diện buộc phải dùng HĐĐT gồm: thứ nhất, có giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử (nộp báo cáo thuế hằng tháng, quý); thứ hai, có hệ thống phần mềm kế toán; thứ ba, phần mềm HĐĐT đáp ứng lập, tra cứu HĐĐT, lưu trữ dữ liệu HĐĐT theo quy định. Bên cạnh đó, các DN và tổ chức kinh tế, tổ chức khác thuộc trường hợp rủi ro cao về thuế thì sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
Tại cuộc họp báo chiều 19.10 của Tổng cục Thuế về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng phòng Thuế GTGT, Vụ Chính sách, cho biết những hộ, cá nhân kinh doanh thực hiện sổ sách kế toán, sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên và có doanh thu năm trước liền kề từ 3 tỉ đồng trở lên trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng cũng sẽ phải dùng HĐĐT…
Bà Tạ Thị Phương Lan, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế thu nhập cá nhân, Tổng cục Thuế, trấn an “bà con không quá sợ hãi”. Việc áp dụng HĐĐT tại Nghị định 119 không có nghĩa là ngành thuế nhắm vào những hộ kinh doanh nhỏ, có doanh thu chỉ đủ nuôi sống gia đình mà chỉ tập trung vào những hộ kinh doanh lớn. Đây là những hộ sẽ phải sử dụng HĐĐT sổ sách kế toán, nộp thuế theo kê khai. Điều này nhằm thúc đẩy các hộ kinh doanh lên DN và tránh tình trạng DN núp bóng hộ.
Tiết kiệm tiền tỉ
Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế, cho biết việc sửa đổi chính sách thông qua quy định bắt buộc sử dụng HĐĐT thay cho hóa đơn giấy mang lại nhiều lợi ích cho DN.
Đầu tiên là giúp giảm chi phí. Nếu sử dụng hóa đơn giấy, DN phải chi phí giấy in, mực in, chi phí chuyển hóa đơn cho khách hàng đối với trường hợp khách hàng ở xa, người bán phải chuyển phát nhanh hoặc gửi bưu điện hóa đơn trả khách hàng; đặc biệt giảm chi phí lưu trữ hóa đơn.
Thứ hai, do HĐĐT có thể lưu giữ trong kho dữ liệu điện tử, nên DN không mất không gian lưu trữ như hóa đơn giấy; giảm thời gian tìm kiếm hóa đơn, tăng cường khả năng bảo mật hóa đơn; giúp việc lưu trữ, quản lý hóa đơn vĩnh viễn; không có rủi ro mất, nhàu nát như khi lưu trữ hóa đơn giấy. Đồng thời, phương thức này nâng cao hiệu quả quản lý hóa đơn do việc tập hợp các thông tin qua phương tiện điện tử một cách nhanh chóng và kịp thời; chi phí vận hành và quản lý thấp, hiệu quả.
Theo số liệu khảo sát của Tổng cục Thuế, chi phí cao nhất mà DN sử dụng hóa đơn tự in là khoảng 2.500 đồng/tờ hóa đơn, tương đương 125.000 đồng/quyển 50 số hóa đơn. Thống kê của Tập đoàn điện lực VN (EVN) cho thấy, số lượng hóa đơn trung bình sử dụng mỗi tháng là 23,6 triệu, tương đương khoảng 283 triệu hóa đơn/năm. Chi phí hóa đơn tự in (chưa tính phần quản lý, lưu kho) khoảng 420 đồng/hóa đơn; chi phí HĐĐT (đã tính chi phí quản lý, lưu trữ) chỉ khoảng 292 đồng/hóa đơn. Với việc sử dụng HĐĐT, EVN tiết kiệm được gần 130 đồng/hóa đơn so với hóa đơn giấy và giúp EVN tiết kiệm được khoảng 36 tỉ đồng/năm.
Chuyên gia tài chính, PGS-TS Ngô Trí Long phân tích thêm, HĐĐT không những giúp DN nhận được những giá trị hữu hình mà còn có thể nhận được những giá trị vô hình khác, không thể quy đổi thành tiền được, như là giá trị cơ hội khi cung cấp cho khách hàng dịch vụ hiện đại, tiện ích, nhanh chóng, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu của DN cũng như tăng năng suất, hiệu quả công việc.
Nhưng vẫn lo bảo mật
Tuy nhiên, do là loại hình mới triển khai lại phải áp dụng nhiều vấn đề công nghệ nên theo PGS-TS Ngô Trí Long, để sử dụng HĐĐT, các DN cần phải lựa chọn tổ chức cung cấp chứng thư số (T-VAN) hợp pháp, đáng tin cậy để ký hợp đồng cung cấp dịch vụ. Hiện nay, có nhiều tổ chức cùng quảng cáo dịch vụ cung cấp giải pháp HĐĐT mà DN không thể phân biệt đâu là đáng tin cậy để ký hợp đồng. Hơn nữa, một số chỉ tiêu mà người sử dụng không thể kiểm chứng được như: hệ thống thiết bị, kỹ thuật; năng lực của đội ngũ nhân sự kỹ thuật; khả năng sao lưu dữ liệu, khôi phục dữ liệu; an toàn hệ thống luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho DN, nếu xảy ra sự cố.
Ông Ngô Thành P., giám đốc một DN xuất nhập khẩu tại Hà Nội, cho biết thực tế việc sử dụng HĐĐT của một số đơn vị đã phát sinh một số trục trặc như: hóa đơn chuyển đi không đúng địa chỉ, hệ thống của đơn vị cung cấp bị lỗi, nhất là sự cố mất điện. Bên cạnh đó, khi thiết kế và sử dụng HĐĐT còn gặp khó khi ký xác nhận trên hóa đơn. Theo quy định thì HĐĐT chỉ được sử dụng chữ ký số, ngoại trừ HĐĐT chuyển đổi có chữ ký tươi của người chuyển đổi (có thể có dấu bên bán), không có chữ ký người đại diện bên bán. Tuy nhiên, pháp luật chưa có quy định về ủy quyền ký của người chuyển đổi, nên việc ký trên HĐĐT không có nhiều giá trị pháp lý. Trong khi đó, hầu hết các DN mua hàng đều yêu cầu cung cấp HĐĐT chuyển đổi in giấy, thậm chí còn yêu cầu có chữ ký và đóng dấu ở phần chữ ký người bán như hóa đơn đỏ trước kia.
Đáng lo hơn, theo lãnh đạo DN trên, để sử dụng HĐĐT cần tạo lập hệ thống bảo vệ cho phần mềm quản lý của mình, cũng như nâng cấp máy chủ của đơn vị. Tạo một “bức tường lửa” kín kẽ là cách để DN bảo mật thông tin của mình. Bên cạnh đó, cần kiểm tra định kỳ các hệ thống điện tử để kịp thời phát hiện các mối nguy hại nếu chúng xuất hiện.
Một chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ cho biết, mã độc WannaCry bùng phát từ đầu tháng 5.2017 tại VN, hàng chục DN đã trở thành nạn nhân. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong số hàng chục mã độc khác vẫn đang hằng ngày bủa vây, tấn công vào hệ thống của DN. Do đó, việc triển khai HĐĐT, theo chuyên gia này, cần phải đặc biệt tập trung vào xây dựng tường lửa, bảo vệ dữ liệu.
Việc sử dụng HĐĐT là điều cần thiết cho nền kinh tế nhưng ngày 1.11 tới đây, lộ trình chuyển dịch từ hóa đơn giấy sang HĐĐT sẽ chính thức thực hiện và được kéo dài trong 24 tháng mà đến nay vẫn chưa có thông tư hướng dẫn thực hiện khiến DN lo lắng. HĐĐT sẽ được người bán cung cấp cho người mua hàng hóa dịch vụ qua email. Lúc này phát sinh tình huống, hàng hóa lưu thông trên đường cần cung cấp cho cơ quan quản lý, theo quy định mới thì người vận chuyển sẽ cung cấp đường dẫn để cơ quan chức năng truy cập vào đó kiểm tra. Trong trường hợp mạng bị sự cố, quá tải không truy cập được thì giải quyết như thế nào, hàng có được tiếp tục lưu thông hay không? Hiện cả nước có trên 500.000 DN, việc chuyển đổi từ sử dụng hóa đơn giấy sang HĐĐT bình quân mỗi tháng khoảng 20.000 DN tham gia. Trong khi đó số lượng đơn vị cung cấp phần mềm không nhiều nên nguy cơ quá tải sẽ dễ xảy ra.
Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang
T.Xuân - Ng.Nga
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.